Phần 1: Bước nhảy vọt ở 2 thập kỷ đầu Thật không ngoa khi nói rằng thế kỷ 20 chỉ là “thời tiền sử” của các trò chơi điện tử - video games. Và vì thế, năm 2000 được xem là năm đầu tiên của 1 thế hệ trò chơi mới. Cũng dễ hiều thôi, từ ngày “chàng Adam” Pong ra đời vào năm 1972 đến thời kỳ của những trò chơi nối mạng toàn cầu vào cuối những năm 90 rồi đến các games hiện đại mà người chơi có cảm giác như mình là nhân vật chính xuất hiện ở thế kỷ 21, các cuộc cách mạng kỹ thuật đã diễn ra rất ấn tượng. Chỉ trong vòng chưa tới 40 năm, con người đã có thêm một định nghĩa mới cho từ games; đã chứng kiến những khối vuông và tròn trắng đen di chuyển trong không gian một chiều (1D), rồi hai chiều (2D), đến những con người hoàn thiện chiến đấu trong không gian 3D hoành tráng; đã cảm thấy sửng sốt khi mỗi ngày mở mắt ra, chất lượng hình ảnh và âm thanh của các trò chơi ngày hôm nay cao hơn hàng tỷ lần các games mà ngày hôm qua mình đã chơi. Chúng ta càng ngày càng bị quyến rũ bởi các động tác, màu sắc, hiệu ứng… hi-tech của chúng để rồi kết quả là hàng ngày có khoảng 10 triệu người trên hành tinh này “vui sống” trong thế giới giả lập. Để có cảm giác thật về những cuộc cách mạng trên, chúng ta hãy điểm lại những “cột mốc lịch sử” của từng giai đoạn phát triển của các trò chơi điện tử. À, sao bạn không chia sẻ những thông tin này với những “bậc tiền bối” nhỉ? Vào năm 1972, “cụ tổ” Pong ra đời như máy game đầu tiên của thế giới. Chiếc máy to đùng có giá bản quyền lên tới 700.000 đô la Mỹ nhưng chỉ trong vòng 1 năm, 10.000 máy Pong đã được bán hết. Hàng ngàn gia đình ở Mỹ đã “nổ tung” trước cái mà người ta gọi là “tennis trong tivi”. Những vận động viên, thực ra chỉ là những ô chữ nhật, phải đón trúng trái bóng, một vòng tròn nhỏ, để không bị thua điểm. Người chơi chỉ có thể di chuyển các “vận động viên” của mình lên xuống theo chiều dọc, nên người ta có thể nói rằng đây là game… 1D. Màu sắc ư? Trắng và đen. Nhưng bạn ạ, vào những năm 70, như vậy là quá đủ rồi! Trang web http://www.pong-story.com sẽ kể cho bạn nhiều hơn câu chuyện của máy Pong. 5 năm sau, Space Invader ra đời. So với Pong, người ta nhận thấy rằng đã có sự xuất hiện của màu sắc (khoảng 8 màu) và một tí gọi là… độ nét và chi tiết của hình ảnh. Trong “cuộc xâm lược vũ trụ” này, người chơi điều khiển một con tàu vũ trụ. Nhiệm vụ của tàu là tiêu diệt hết những quái vật đến từ hành tinh khác. Những quái vật sẽ xếp thành 4 hàng dọc, di chuyển từ từ xuống mặt đất. Và người chơi phải di chuyển phi thuyền của mình và bắn đạn sao cho tất cả các hàng dọc đó bị biến mất. Trò chơi của máy Atari 2600, một loại máy game gia đình, đã rất “hot” trong vòng gần 10 năm trời. Nếu bạn muốn sống lại niềm vui được “cứu trái đất khỏi cuộc xâm chiếm của người ngoài hành tinh” những năm giữa thập kỷ 70 thế kỷ trước, hãy download Space Invader tại: http://caesar.logiqx.com/zips/emus/multi/spaceinvaders/invaders.zip. Năm 1980, Namco, một hãng sản xuất game Nhật Bản, tung ra Pacman. Bạn sẽ phải điều khiển “cái nút màu vàng” mang tên Pacman ăn hết những viên kẹo trong mê cung mà không bị bất kỳ một “con ma gác cổng” nào bắt gặp. Trò chơi mang lại thành công vang dội. Người ta đổ xô đến các điểm bán để có được Pacman. Điều thành công nhất của trò chơi này? Đó là việc thế giới đã biết đến một không gian 2 chiều trong game: với Pacman, bạn đã có thể di chuyển khắp màn hình theo chiều ngang lẫn chiều dọc. Chắc hẳn lúc đó, họ không nghĩ rằng “tên háu ăn màu vàng” của mình sẽ là một trong những game quen thuộc nhất với người chơi. Thật vậy, ngay cả sau 10-15 năm sau, khi Nintendo lập trình lại game này theo đúng nguyên bản của nó, người ta vẫn “chết mê chết mệt” Pacman. “Ghê” hơn nữa, hãy đến với website: http://www.bluebelldata.co.uk/games/pac-man2/download-game-man-pac-world.html để biết được cho tới hôm nay, các “fan club” của Pacman vẫn không ngừng tạo ra những game Pacman mới. Và đây rồi, Mario, anh lính cứu hỏa nổi tiếng nhất thế giới và khá quen thuộc với chúng ta. Lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1985 đóng vai 1 chàng “si tình” cứu người yêu, nàng Pauline, trong Donkey Kong. Chàng ria mép Mario phải vượt qua được những cái bẫy bất ngờ mà con tinh tinh ma lanh (như một con khỉ) đã đặt sẵn. Mỗi màn, độ khó của trò chơi lại cao hơn, những cái bẫy đa dạng hơn, con tinh tinh thông minh hơn... Cũng vì thế mà Donkey Kong được xem là game đầu tiên của thể loại game “đi cảnh” (Arcade) và cũng là bàn đạp cho sự nổi tiếng của Mario. Từ đây, chàng cứu hỏa ria mép dần trở thành huyền thoại với những vai chính trong các games nổi tiếng, quen thuộc với tất cả các gamers Việt Nam, như Mario Bros, có tên cúng cơm là “Hái Nấm” hay Super Mario mà dân ta hay gọi là “Nấm Bay”. Không những ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, người ta luôn xem Mario là nhân vật game vĩ đại nhất. Mario - Nhân vật Game vĩ đại nhất.
Phần 2: Bùng nổ games 3D Mở đầu cho sự bùng nổ ở thập nhiên 90 là 2 games, một của hãng Broderbund Software - Myst, một của hãng Interplay-Alone In The Dark mà bạn có thể tìm thấy bản demo ở địa chỉ: http://www.dosgames.com/cgi-bin/dl....ha.qmw.ac.uk/~ugsu017/pub/pc/dos/alonedrk.zip. Được lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lovecraft, Alone In The Dark được nhớ đến như game đầu tiên 3D của thế giới trò chơi mặc dù các nhân vật trong đó vẫn còn có cái vẻ “đơn giản, cứng nhắc và khô khan” rất “hình học”. Tuy vậy, các gamers lúc bấy giờ cảm thấy rất hưng phấn khi lần đầu tiên “cảm nhận” được cái mà người ta vẫn gọi là “khái niệm về chiều sâu của không gian”. Sản phẩm của người Mỹ ra đời trễ hơn vài tháng. Người ta không thấy ở Myst những pha hành động “gây sốc” và không gian 3D thực sự như đã quảng cáo nhưng vẫn phải “chết” vì kỹ thuật đồ họa tuyệt hảo của nó. Hình ảnh vũ trụ và trạm không gian mà Myst tạo ra được hoàn thiện vô cùng kỹ càng, trau truốt đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ngoài ra, kịch bản và cách chơi Myst cũng rất tuyệt. Vì thế, người ta vẫn xem Myst là game lớn đầu tiên khai thác được vấn đề vũ trụ. Năm 1993, Doom, trò chơi đầu tiên của thể loại game “first person shooter”, thể loại của các games như Medial of Honour, Haft Life hay Serious Same. Nhiệm vụ của người chơi là cầm vũ khí đi tiêu diệt các con quái thú và tìm đường về nhà. Khái niệm 3D trong Doom gần như rất hoàn hảo, chiều thứ 3 của không gian được lập trình để trở nên rất sinh động và giống thật. Gamer cảm thấy thích khi được hóa thân vào một người anh hùng, khám phá một không gian rùng rợn và lạ mắt. Tuy nhiên, hầu như hãng ID Software đã không có một sự đầu tư nào cho các cảnh và màn chơi. Khi trình độ đồ họa đã được nâng cao hơn rất nhiều, thế giới game chào đón Everquest, game online multiplayer đầu tiên, vào năm 1999. Trò chơi này hầu như áp dụng tất cả các kỹ thuật cao cấp nhất lúc bấy giờ. Hoàn toàn được thực hiện bằng 3D sinh động, Everquest có được những màn chơi rộng lớn và phong phú, luôn “hoạt động”. Ngay cả khi máy bạn tắt, trò chơi vẫn tiếp tục “sống”. Ngoài ra, bạn còn có thể cảm thấy được mọi chuyển động cao cấp của các chi tiết nhờ vào khả năng đồ họa cao. Những người chơi được quy tụ thành nhiều nhóm (guildes) cùng nhau hợp tác để giành chiến thắng cuối cùng. Từ đó, tất cả các games trực tuyến đều thành công nhờ đi theo những quy tắc nà Everquest đã đặt ra. Tại sao các cuộc cách mạng đáng chú ý chỉ dừng lại vào những năm cuối của thế kỷ XX? Vì sau đó, vào mỗi ngày mới, các gamers lại đón chào một sự thay đổi lớn lao mới. http://images4.us.tintucvietnam.com/Uploaded/Invisible/story_00201_223.jpg Nguồn: www.tintucvietnam.com, Thanh nien