The Sopranos (1999)

Thảo luận trong 'Phim truyền hình & Thế giới diễn viên' bắt đầu bởi Bụt Hiện Lên Và Phán, 2/9/24.

  1. Bụt Hiện Lên Và Phán

    Bụt Hiện Lên Và Phán Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    8/8/24
    Bài viết:
    396
    The Sopranos là phim truyền hình tội phạm của Mỹ. Câu chuyện xoay quanh Tony Soprano, một ông trùm người Mỹ gốc Ý ở New Jersey, miêu tả những khó khăn mà anh gặp phải khi anh cố gắng cân bằng cuộc sống gia đình với vai trò là thủ lĩnh của một tổ chức tội phạm khét tiếng.

    https://www.imdb.com/title/tt0141842/

    Bộ phim được chấm điểm 9,2/10 trên IMDB với gần 500.000 lượt đánh giá, đủ để thấy sức hút mạnh mẽ của bộ phim này



    Series phim dài 86 tập với 6 mùa phim. Đây là 1 bộ phim được liệt vào dạng huyền thoại kinh điển, mở ra một chuẩn mực mới, phong cách làm phim mới, tiêu chuẩn mới, đỉnh cao mới của dòng phim truyền hình Mỹ. Mặc dù là phim Mỹ, nhưng cách truyền tải các vấn đề về gia đình lại rất giống với các gia đình tại Việt Nam, có lẽ một phần văn hóa gia đình của Ý khá giống với văn hóa gia đình Việt Nam

    Kịch bản cực kỳ cuốn hút, xem không rời mắt, lời thoại cực kỳ hài hước, cách thức sắp xếp các chi tiết tình tiết tiểu tiết vô cùng xuất sắc, phim cũng cài cắm rất nhiều ý nghĩa lớp lang về cuộc sống về gia đình về cách nuôi dạy con cái, về khủng hoảng tuổi trung niên. Phim bao gồm rất nhiều câu chuyện đời thường vụn vặt, tưởng không hay nhưng lại hay không tưởng.

    Khi xem bạn cần phải cực kỳ chú ý các chi tiết rất nhỏ trong phim, xem cực kỳ hay. Phim được dán nhãn 18+, với vô số cảnh nóng bỏng hở hang, cứ 15 phút lại xuất hiện một cảnh như vậy, cùng với đó là rất nhiều cảnh máu me, bạo lực, băng đảng thanh toán lẫn nhau.





    Một người đàn ông trưởng thành đích thực nhất định 1 lần trong đời phải xem bộ phim "The Sopranos", xem để biết những áp lực mà 1 người đàn ông trưởng thành gặp phải trong cuộc đời, quá nhiều biến cố áp lực, hàng trăm việc cùng 1 lúc xảy ra, đổ vào đầu, từ công việc, đến chuyện gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, làm ăn kinh doanh, đủ thứ áp lực xảy ra, ép cho con người ta không thể thở nổi, dẫn đến những cơn rối loạn hoảng loạn kịch phát không thể kiểm soát nổi

    [​IMG]

    --------------------------------

    https://thanhnien.vn/the-sopranos-goc-nhin-khac-ve-toi-pham-185276768.htm

    The Sopranos mang tới một góc nhìn khác về Tội phạm

    Nếu bạn là một trùm mafia, bạn sẽ làm gì khi con gái có bạn trai đầu tiên và chuyển ra ngoài thuê nhà sống tự lập? Bạn sẽ làm gì khi con trai bạn trở nên bất ổn về tâm sinh lý khi vào tuổi vị thành niên? Và bạn sẽ làm gì khi vợ bạn yêu cầu ly thân và không cho sống chung nhà?

    Đó là những vấn đề rất đời thường, không thể giải quyết bằng bạo lực mà ông trùm mafia gốc Ý, Tony Soprano (diễn viên James Gandolfini thủ vai) luôn phải đối mặt trong “The Sopranos”. Phim nói về sự khó khăn của Tony khi cố gắng tìm cách cân bằng cuộc sống bất bình thường của một tội phạm với cuộc sống bình thường của một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình trong vai trò người chồng, người cha và đặc biệt là người con trong mối quan hệ với bà mẹ khó tính Liva.

    Từ lần đầu phát sóng trên HBO vào năm 1999 đến nay, “The Sopranos” vẫn luôn nhận được nhiều ý kiến trái ngược, cả khen ngợi lẫn chỉ trích về tính giáo dục của phim. Nhưng chắc chắn một điều, đây là series phim nổi tiếng nhất mà ngành truyền hình Mỹ từng sáng tạo ra. Hàng loạt giải thưởng danh giá, trong đó có 21 giải Emmy và 5 giải Quả cầu vàng là minh chứng hùng hồn nhất cho sự thành công của phim.

    Nét độc đáo nhất của “The Sopranos” chính là cách đặt vấn đề của các nhà làm phim. Hầu hết chúng ta gắn thế giới tội phạm và mafia với sự bí ẩn, tội ác và sợ hãi. Nhưng đạo diễn người Mỹ gốc Ý David Chase (đồng thời cũng là biên kịch, nhà sản xuất của phim), người sinh ra và lớn lên trong thế giới tội phạm lại không nghĩ vậy. Với Chase, tội phạm vẫn là con người bình thường. Thậm chí đó có thể là người hàng xóm của chính bạn và cũng có rắc rối với những vấn đề rất đời thường. Từ cách đặt vấn đề này, bộ phim đã cung cấp một góc nhìn rất khác về thế giới tội phạm, gần gũi và nhân bản hơn dù trong phim vẫn có tội ác, súng ống, bạo lực và cả chết chóc. Cách nhìn này của Chase, dù đã gây ra nhiều tranh cãi nhưng vẫn kéo khán giả ở hàng chục quốc gia trên thế giới ngồi trước màn hình ti-vi để chờ xem "The Sopranos". Trang web IMDb cũng đã chấm 9,2/10 điểm cho phim, một số điểm cực cao, bảo chứng cho chất lượng phim.

    -----------------------

    https://chiepclass.com/sopranos/

    Review The Sopranos: Cuộc đời vô vị, nam tính và thế giới cũ lụi tàn

    Review một series phim dài tới 86 tập là một việc khó. Có quá nhiều thứ để kể và phân tích, nhưng tôi sẽ chọn hai điểm nổi bật nhất mà thôi.

    [​IMG]
    Quán rượu Bada Bing, bối cảnh chính của phim

    KẾT CẤU PHIM


    Nếu đã quen xem phim Hollywood hoặc phim giải trí hiện đại, chắc chắn bạn sẽ thấy The Sopranos là một bộ phim kỳ quặc, thậm chí nhàm chán.

    Thứ nhất, khác với Narcos hay Peaky Blinders, The Sopranos không có nhiều cảnh chém giết hoặc đấu súng gay cấn. Phim vẫn có hành động: các nhân vật đánh nhau và giết người liên tục, nhưng cảnh hành động ở đây không được dàn dựng hoa mỹ mà rất gần với thực tế. Ai xem đánh nhau ngoài đường rồi đều biết đánh nhau thật thì rất luộm thuộm chứ không đẹp mắt như John Wick.

    Thứ hai, một bộ phim bình thường sẽ có mạch truyện logic, bao gồm chuỗi sự kiện A dẫn đến B, B dẫn đến C… Storyline có mở đầu, có đấu tranh nội tâm, có cao trào và kết thúc rõ ràng. Kỹ thuật foreshadow (báo trước) được áp dụng triệt để: một tình tiết có vẻ tầm thường ở đầu phim sẽ giúp giải quyết vấn đề nào đó ở cuối phim, khiến khán giả thích thú. Ví dụ ở phần đầu Godfather, Don Corleone yêu cầu Bonasera (người chuyên làm dịch vụ tang lễ) một ngày nào đó giúp ông một việc để đáp lại ân huệ mà Bố Già ban cho Bonasera trong đám cưới. Chi tiết tầm thường này trở nên một mảnh ghép ý nghĩa khi ở đoạn sau Sonny bị giết và Bonasera trả ơn bằng cách trang điểm lại cái xác bị bắn nát.

    Chính vì thói quen này, khi mới xem The Sopranos, chúng ta sẽ tìm kiếm những chi tiết foreshadow hoặc mong đợi một sự kiện nào đó ở tập 1 được phát triển dần dần và đạt đến cao trào ở tập sau. Nhưng David Chase, nhà sản xuất series, quyết định không làm như vậy.

    Trong The Sopranos, nhiều tình tiết và sự kiện có vẻ như sẽ dẫn khán giả đến thứ gì đó lớn hơn, nhưng cuối cùng chúng chẳng dẫn đến đâu cả. Rất nhiều người bối rối khi xem các tập như Employee of the Month (bác sĩ Melfi bị hiếp dâm dưới tầng hầm), Pine Barrens (Christopher và Paulie truy đuổi tay người Nga trong rừng) hay Whoever Did This (Tony giết Ralphie trong bếp). Không có closure (kết thúc rõ ràng) và cũng chẳng có bài học cuộc sống hay đạo đức nào để rút ra hết. Các tay tội phạm không sám hối cũng không được cứu rỗi. Nhiều sự kiện bị bỏ lửng không bao giờ được nhắc đến nữa, lại có những mạch truyện kéo dài đến tận season cuối nhưng không có closure (điển hình như hai storyline lớn: Christopher tập làm phim và Tony gặp bác sĩ Melfi để trị liệu tâm lý). Đối với người đã quen xem phim giải trí phổ thông, sự lửng lơ không đầu không cuối này làm ta có cảm giác phí thời gian khi xem The Sopranos: tôi có học được cái gì hay đâu, đạo diễn định nói cái gì vậy.

    [​IMG]
    Bác sĩ Melfi

    Phải đến tập The Legend of Tennessee Moltisanti (E8S01) tôi mới chợt nhận ra sức hút vô hình của series: nó không có arcclosure (cao trào và kết thúc rõ ràng) vì The Sopranos phản ánh cuộc sống thật. Trong cuộc sống thật, không phải chuyện gì xảy ra cũng có lý do, và các sự kiện trong cuộc đời chúng ta hiếm khi đi đến một kết thúc ý nghĩa. Mặc cho chúng ta tìm kiếm những ẩn ý, cuộc sống chẳng chứa đựng ẩn ý nào hết.

    Ở tập phim trên, Paulie đến thăm Christopher trong lúc Christopher đang bí ý tưởng viết kịch bản. Christopher phàn nàn rằng mọi nhân vật trong phim đều có một arc: họ xuất phát từ đâu đó, rồi họ làm gì đó, rồi thứ gì đó xảy ra với họ và cuộc đời họ thay đổi; thế nhưng cuộc đời của Christopher lại không có arc nào hết. Như phần lớn chúng ta, Chris chỉ tồn tại một cách vô nghĩa. Paulie, với kinh nghiệm sống của người già, cho rằng arc chỉ có trong phim. Paulie bảo Christopher rằng đời tao cũng làm gì có arc. Tao sinh ra, lớn lên, đi lính vài năm, đi tù vài năm, và giờ tao ngồi đây, làm xã hội đen, có vậy thôi. Tại sao phải có arc?

    [​IMG]

    Christopher Moltisanti:
    You ever feel like nothin’ good was ever gonna happen to you?

    Paulie ‘Walnuts’ Gualtieri:
    Yeah. And nothin’ did. So what? I’m alive, I’m survivin’.

    Christopher Moltisanti:
    That’s it. I don’t wanna just survive. It’s says in these movie writing books that every character has an arc. Understand?

    Paulie ‘Walnuts’ Gualtieri:
    [shakes head]

    Christopher Moltisanti:
    Like everybody starts out somewheres. and they do something, something gets done to them and it changes their life. That’s called an arc. Where’s my arc?

    Khán giả tìm kiếm những bài học đạo lý hay mong đợi một màn cao trào trong phim ắt sẽ thất vọng. Giá trị của The Sopranos nằm ở chỗ nó cho người xem trải nghiệm một loại thực tế ảo; thế giới trong phim vừa khác lại vừa giống thế giới hàng ngày. Nó giống với cảm giác khi chơi The Sims: cuộc sống thật rất nhàm chán nhưng cuộc sống thật trong game thì không.

    [​IMG]

    NAM TÍNH VÀ MỘT THẾ GIỚI CŨ LỤI TÀN

    Có nhiều theme (đề tài) trải dài trong 86 tập phim The Sopranos, có thể kể như chủ đề ung thư, Freud/ trị liệu tâm lý, cuộc sống gia đình Ý…nhưng có hai theme tôi thấy đồng cảm nhất: nam tính và một thế giới cũ dần biến mất.

    Khán giả ở năm 2021 sẽ ngạc nhiên về ngôn từ thô lỗ và sự phân biệt chủng tộc/ giới tính trong The Sopranos. Tony gọi bạn trai da đen của con gái mình là ditsoon (thằng mọi đen), Christopher không dám giới thiệu cô người yêu da màu với bạn bè, và đỉnh điểm là cuộc thanh trừng Vito – một thành viên băng đảng bị phát hiện đồng tính. Ngay sau khi xác nhận Vito là finook (thằng bê đê), Vito bị cả băng Jersey lùng giết vì cho rằng sự xuất hiện của một thằng gay trong nhóm làm ô uế gia đình, họ không còn mặt mũi nào nhìn các băng đảng khác.

    Khán giả bị sốc vì ở thế kỷ 21, đó là những thứ không được phép nói ra. Mọi thứ chúng ta nói (thậm chí mọi thứ chúng ta nghĩ) đều phải “politically correct” (không được làm phật lòng ai). Mọi người tự ép mình nói chuyện với nhau nghiêm chỉnh và đúng đắn như thể bọn con nít nói chuyện trước mặt giáo viên. Không được phép ghét người đồng tính, không được chê người béo/ xấu, không được kỳ thị người da đen… Phim ảnh thậm chí còn không được để diễn viên chửi bậy. Tôi nghe nói với mỗi season của Breaking Bad – một phim tội phạm – nhà chức trách chỉ cho phép từ fuck được xuất hiện một lần. Khi xem The Sopranos, khán giả được chứng kiến một thế giới cũ đầy tự do, một thế giới không bị trói buộc bởi tiêu chuẩn politically correct: mọi người được tự do suy nghĩ, lên tiếng và hành động theo hệ giá trị của bản thân mà không sợ bị chỉ trích. Trong cả series, chủ đề not-politically-correct nhất có lẽ là sự nhấn mạnh vào nam tính.

    Bây giờ chữ nam tính (masculinity) ít khi được đứng riêng một mình. “Nam tính” thường đi kèm với “độc hại” (toxic masculinity). Thế giới hiện đại đã bị đàn bà hóa đến mức việc công khai làm đàn ông cũng là tội. Tư tưởng nữ quyền và bình đẳng giới có vẻ muốn xóa nhòa ranh giới giữa đàn bà và đàn ông. Tại các đô thị lớn, nam giới dần mất đi sự cứng rắn trong cả nội tâm lẫn ngoại hình. Ngay từ thời cổ đại, đây được xem như tiêu chí lớn nhất phân biệt hai giới. Trong tiêu chuẩn cổ điển, sức mạnh là dấu hiệu nhận biết đàn ông. Hồi đang học tiếng Latin, tôi có tập đọc cuốn De Bello Gallico (Cuộc chiến ở xứ Gaul) của Julius Caesar. Ngay ở chương đầu tiên, Caesar đưa ra nhận xét thế này:

    “Trong cả ba xứ, dân xứ Balgae là những kẻ dũng mãnh nhất, vì họ cách xa nhất khỏi thành phố. Thương lái hiếm khi đến chỗ họ; họ cũng không nhập khẩu những thứ khiến đàn ông trở nên mềm yếu và giống với đàn bà.”

    Hình mẫu đàn ông trong The Sopranos rất truyền thống và cứng rắn: đàn ông phải có cơ thể cường tráng, tâm hồn không được phép ủy mị, không được phàn nàn trước khó khăn mà chỉ dấn thân vào hành động. Đàn ông phải giống như Gary Cooper.

    “What happened to Gary Cooper? The strong, silent type. That was an American. He wasn’t in touch with his feelings. He just did what he had to do.”
    – Tony Soprano

    [​IMG]



    Nam tính được các nhân vật trong phim coi trọng ngang với mạng sống của mình. Họ cho rằng đàn ông không được phép yếu đuối, ngược với quan điểm ngày nay nói rằng đàn ông cũng có quyền khóc và bày tỏ cảm xúc. Theme này được thể hiện qua nhiều cảnh phim lớn.

    Ở những tập đầu, Tony lén lút đi gặp bác sĩ tâm lý vì sợ mọi người sẽ coi thường, và quả thực khi chuyện lộ ra, cả băng đảng đều chế giễu Tony vì một người đàn ông lại đi gặp một bác sĩ nữ kể lể chuyện gia đình. Ở season cuối, sau khi Tony bị trúng đạn, mọi người bắt đầu đánh giá Tony là một ông trùm yếu đuối (thông qua sự suy giảm thể lực). Tony phải cứu vãn hình ảnh của mình bằng cách đánh nhau tay bo với vệ sĩ riêng dù vết mổ chưa lành. Ở một tập khác, Johnny Sacrimoni, thủ lĩnh của băng New York, dù đang ngồi tù vẫn không quên giữ hình ảnh mạnh mẽ: ông đặt làm lens trước ngày xử án vì cho rằng đeo kính cận trước tòa khiến mình trông yếu đuối. Khi bị còng tay trong đám cưới của con gái, Johnny xúc động bật khóc và ngay lập tức bị mọi băng đảng khinh thường. Phil, ông trùm thế chỗ cho Johnny, tuyên bố rằng ông không còn coi Johnny khóc nhè là đàn ông nữa. Tất cả đều tán thành với Phil.

    [​IMG]
    Ông trùm Phil

    Ngày nay bạn không thể nói những điều như vậy trên phim được. Nam tính gần như trở thành một đề tài cấm kỵ và bị chỉ trích quyết liệt trên mạng. The Sopranos cho khán giả hiện đại thấy hình ảnh đàn ông mạnh mẽ từng được coi trọng đến mức nào. Thế giới đầy nam tính này dần bị phai nhạt và thu hẹp lại: thế hệ cũ chết đi trong khi thế hệ mới không muốn tiếp tục truyền thống cũ (con trai của Tony và Vito đều là những thanh niên ủy mị). Khi phim tiệm tiến vào thế giới hiện đại (những năm 2000), có một lần Rosalie nhận xét với Carmela (vợ Tony) rằng “Những người đàn ông này vẫn đang sống ở thế kỷ trước”.

    Về cuối phim, chúng ta thấy băng đảng của Tony và Phil là những chiến binh cuối cùng còn gìn giữ lối sống và các giá trị truyền thống. Thế giới cũ của họ đang dần bị thế giới hiện đại nuốt chửng, và dù ủng hộ hệ giá trị đó hay không, khán giả vẫn có cảm giác buồn khi chứng kiến chúng lụi tàn. Trong tập Johnny Cakes, Patsy đến đòi tiền bảo kê tại một chuỗi cà phê theo kiểu Starbucks. Sau khi nghe tay quản lý trẻ măng giải thích rằng từng đồng xu lẻ đều được quản lý qua máy tính và rằng các tập đoàn lớn này không nộp thuế cho xã hội đen, Patsy đành phải bỏ về, chịu thua trước một loại hình kinh doanh họ chưa bao giờ nhìn thấy.

    [​IMG]

    Cảnh phim tinh tế và xúc động nhất nằm ở tập Made in America, episode cuối cùng của series. Một xe bus hai tầng chở khách du lịch chạy qua khu Little Italy thuyết minh rằng khu phố rộng lớn này từng có tới 40 khu nhà, nhưng nay chỉ còn lại một phố ngắn mà thôi. Ngay sau lời thuyết minh này, ta thấy cảnh Butchie vừa đi bộ vừa gọi điện cho ông trùm Phil. Phil gác máy sau khoảng chục câu thoại ngắn, Butchie ngẩng lên và bỗng thấy mình đã đi lạc vào một con phố xa lạ. Hóa ra Little Italy rộng lớn mà các băng đảng từng chém giết lẫn nhau để tranh quyền kiểm soát nay chỉ còn là một con phố ngắn vài bước chân. Ở season 1, băng Tony là những tay mafia đầy quyền lực chuyên chém giết và bảo kê, nhưng càng về đến season cuối, quyền lực và không gian của họ ngày càng thu hẹp lại. Khán giả thấy họ chỉ còn là những ông già cổ hủ mắc kẹt trong thế giới xưa cũ và bé nhỏ do chính họ dựng nên.

    Ngoài hai điểm chính ở trên, tôi còn thích The Sopranos vì khả năng xem lại của nó. Với các phim dựa vào độ gay cấn/ bí ẩn (phim trinh thám chẳng hạn), bạn khó có thể xem lại lần hai vì đã biết hung thủ mất rồi. The Sopranos tập trung vào sự phát triển tính cách nhân vật nên bạn có thể xem đi xem lại nhiều lần mà không thấy chán.

    Ngoài ra, vì phim rất nổi tiếng, thế nên có vô số bài phân tích/ đánh giá trên mạng (có những trang web phân tích ý nghĩa từng chi tiết nhỏ trong mỗi tập phim). Điều này khiến cho The Sopranos trở nên giàu ý nghĩa hơn và việc xem phim càng thú vị. Trong cuốn This Is Not The End Of The Book, Umberto Eco nói thế này:

    “Qua thời gian, mọi cuốn sách đều được bồi đắp thêm những lớp diễn giải mà độc giả gán cho nó. Shakespeare ngày nay khác với Shakespeare ngày xưa. Shakespeare của chúng ta giàu ý nghĩa hơn Shakespeare mấy trăm năm trước. Một tác phẩm lớn chỉ lớn khi chúng được biết đến rộng rãi, càng nhiều người biết thì chúng càng gợi lên nhiều phân tích và chính các phân tích này làm giàu tác phẩm.” (**)

    Hy vọng bài review ngắn này của tôi cũng giúp tăng thêm một chút ý nghĩa cho The Sopranos và khiến các bạn hứng thú xem phim hơn.
     

Chia sẻ trang này