"Từ trước tới giờ tôi luôn giữ thói quen đi bộ thể dục vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên thời gian gần đây tôi lại bị thoái hóa khớp gối, mỗi lần đi bộ nhiều là khớp thường đau nhức rất khó chịu. Bác sĩ cho tôi hỏi bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ hay không? Tôi xin cảm ơn." (Nguyễn Hữu Việt, 59 tuổi, TP.HCM) Giải đáp thắc mắc: Cảm ơn chú Việt đã đặt niềm tin và gửi câu hỏi về cho chuyên mục bệnh cơ xương khớp. Tập thể dục, đặc biệt là đi bộ chính là một trong những thói quen rất tốt mà mỗi người cần duy trì. Tuy nhiên, đối với những người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ thể dục hay không lại là nỗi băn khoăn rất lớn. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp chú Việt cũng như mọi người giải đáp thắc mắc này. I. Người bệnh thoái hóa khớp có nên đi bộ không? Khớp gối là một vị trí dễ bị thoái hóa nhất trong hệ thống xương khớp của con người. Khi khớp gối bị thoái hóa thì việc vận động quá nhiều sẽ khiến người bệnh gặp phải tình trạng đau nhức kéo dài. Chính vì thế mà rất nhiều người bệnh quan ngại việc đi bộ bởi họ nghĩ rằng có thể làm cho tình trạng bệnh có những chuyển biến tiêu cực. Bác sĩ Võ Thanh Tịnh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết: "Chính việc ngại di chuyển của người bệnh vì những suy nghĩ chưa thật sự khoa học đã vô tình làm cho máu huyết lưu thông kém đi, khớp gối cũng trở nên cứng và hoạt động không còn linh hoạt. Điều này đã khiến cho bệnh tình càng thêm phức tạp. Đi bộ chính là một phương pháp vận động rất đơn giản nhưng được đánh giá là rất tốt cho sức khỏe, nhất là hệ xương khớp. Tuy nhiên, đối với người bệnh thoái hóa khớp gối thì cần phải có chế độ tập luyện thật phù hợp mới đem lại kết quả tốt và tránh những hệ lụy không mong muốn. Bởi đúng là việc đi bộ quá sức cũng sẽ khiến cho khớp gối dễ bị tổn thương nặng nề hơn do phải chịu nhiều sức ép từ trọng lượng của cơ thể." Gần đây chuyên mục chúng tôi cũng nhận được khá nhiều chia sẻ từ phía những người bệnh thoái hóa khớp gối, họ than vãn rằng, việc đi bộ khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn. Chúng tôi chắc chắn rằng, vấn đề này xảy ra là do người bệnh đã đi bộ không đúng cách. Chị Nguyễn Thị Khánh Hòa (45 tuổi, Đà Nẵng) có chia sẻ: "Tôi có đọc được tin tức từ một trang báo mạng nói rằng bị bệnh thoái hóa khớp gối nên đi bộ càng nhiều càng tốt thì khớp sẽ vận động linh hoạt hơn và nhanh chóng hết bệnh. Bình thường vẫn nghĩ là đi bộ nhẹ nhàng thì rất tốt nên tôi đã tin tưởng làm theo. Ngày nào tôi cũng đi bộ cả hơn tiếng đồng hồ nhưng chẳng thấy bệnh đỡ gì mà thấy càng đau nhức thêm. Khi đi khám lại thì bệnh của tôi không những nặng thêm mà tôi còn bị thêm chứng viêm mầm gân.". Mọi người nên biết rằng, khi mắc bệnh thoái hóa khớp gối, vẫn nên vận động khớp bằng cách đi bộ nhưng nhất thiết phải thực hiện một cách khoa học, phù hợp nếu không sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khó lòng lường trước. Tham khảo ngay: Thoái hóa khớp gối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị II. Mách bạn cách đi bộ đúng cách khi bị thoái hóa khớp gối Đối với những người bình thường thì việc đi bộ không có gì quá phức tạp nhưng lại vẫn có thể đem lại hiệu quả tốt cho việc chăm sóc sức khỏe. Nhưng đối với những người bị các bệnh lí về cơ xương khớp, nhất là bệnh thoái hóa khớp gối thì việc đi bộ như thế nào lại chính là một câu hỏi lớn. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà mọi người cần cân nhắc và lựa chọn những phương pháp đi bộ thích hợp để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị bệnh. 1. Cần chú ý đến cường độ đi bộ Đối với những người bị thoái hóa khớp gối thì cường độ luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu khi thực hiện việc đi bộ thể dục. Đi bộ với một cường độ nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện tốt hơn tình trạng bệnh. Lúc này khớp gối, các cơ hay dây thần kinh đều sẽ chịu những áp lực vừa phải, đủ để giãn nở, linh hoạt mà không gây cảm giác đau đớn cho người bệnh. Người bệnh thoái hóa khớp gối cần tránh việc chạy hay đi bộ với cường độ quá nhanh. Bởi những hoạt động với cường độ mạnh sẽ khiến cho khớp gối phải trụ một áp lực rất lớn, tổn thương không những không được xoa dịu mà còn càng trầm trọng thêm. Thay vào đó người bệnh nên di chuyển một cách nhẹ nhàng và thong thả, khoảng cách giữa các bước nên giữ ở tầm 2 bàn chân. 2. Về thời gian đi bộ thể dục Thời gian đi bộ cũng chính là vấn đề mà người bệnh thoái hóa khớp gối cần hết sức lưu tâm. Đi bộ quá nhiều sẽ gây ra những tác động không tốt, còn quá ít thì lại không đủ để khớp gối được vận động một cách linh hoạt. Mốc "thời gian vàng" được các chuyên gia xương khớp đánh giá là tốt cho người bị thoái hóa khớp gối khi đi bộ đó là khoảng từ 15 - 20 phút. Việc đi bộ thể dục người bệnh nên thực hiện vào buổi sáng, đây chính là thời điểm thích hợp nhất trong ngày để kích thích xương khớp vận động tốt hơn. Không những thế, người bệnh còn sẽ cảm thấy được thư giãn và thoải mái hơn khi khởi đầu ngày mới bằng việc đi bộ. 3. Những lưu ý khác khi đi bộ thể dục Ngoài vấn đề cường độ và thời gian đi bộ thì người bệnh thoái hóa khớp gối cũng cần chú ý tới những vấn đề sau đây để tốt hơn cho hệ xương khớp nói chung và khớp gối nói riêng: - Trước khi đi bộ, người bệnh cần dành ra một chút thời gian để khởi động khớp và làm nóng cơ. Một số động tác như xoay đầu gối, cổ chân, gập duỗi cơ, căng cơ là rất phù hợp trong lúc này. - Tránh đi bộ ở những địa hình dốc và không bằng phẳng bởi vấn đề địa hình cũng có thể tạo ra những áp lực không cần thiết cho khớp gối. Thay vào đó, người bệnh nên đi ở những nơi bằng phẳng ví dụ như sân tập để dễ dàng kiểm soát được hoạt động của khớp gối. - Nếu đôi chân cảm thấy mệt mỏi dù chỉ mới đi bộ trong khoảng thời gian ngắn thì người bệnh cũng có thể nghỉ ngơi một lúc để cảm giác mệt mỏi qua đi rồi mới tiếp tục đi. - Khi đi bộ, người bệnh cũng nên chọn một đôi giày phù hợp với chân của mình để giúp chân được thoải mái hơn. Tránh việc đi giày quá cứng hay quá chật,... III. Chế độ sinh hoạt khoa học cho người bệnh thoái hóa khớp gối Để có được quá trình điều trị bệnh tốt nhất, các chuyên gia khuyên rằng, người bệnh thoái hóa khớp gối nên kết hợp việc đi bộ với một chế độ sinh hoạt khoa học. Người bệnh nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc dưới đây để sớm cải thiện tình trạng bệnh thoái hóa khớp gối: 1. Ngủ đúng giờ, đủ giấc Giấc ngủ là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người, tuy nhiên, đồi với những người bị thoái hóa khớp gối thì rất khó để có được một giấc ngủ chất lượng. Ngược lại, việc đi ngủ quá khuya hay thiếu ngủ cũng tác động ngược lại và khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề. Để lí giải cho vấn đề này, bác sĩ Võ Thanh Tịnh cho biết: "Nhiều người không nghĩ rằng việc ngủ khuya hay ngủ không đủ giấc sẽ tác động xấu đến hệ xương khớp. Tuy nhiên, khi ngủ khuya và thiếu giấc sẽ khiến tuần hoàn máu kém đi rất nhiều, các hệ thống xương khớp, nhất là khớp gối đang bị tổn thương không được tưới máu và cung cấp dinh dưỡng. Điều này khiến cho các sụn khớp ngày càng bị bào mòn và bệnh tình thêm nặng." Chính vì thế mà người bệnh cần đi ngủ sớm cũng như ngủ đủ giấc. Cần thiết có thể tới gặp bác sĩ để tìm cách kiểm soát tốt hơn những cơn đau do bệnh thoái hóa khớp gối gây ra để cải thiện chất lượng giấc ngủ. 2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học Chế độ ăn là vô cùng quan trọng cho người bệnh thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng. Để sớm cải thiện bệnh tình, cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bị thoái hóa khớp gối nên bổ sung những thực phẩm giàu canxi, acid béo omega-3, protein lành mạnh, vitamin C,... Trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, kiwi,... protein từ đậu nành và chế phẩm đậu nành hay các loại cá béo giàu omega-3 là những loại thực phẩm mà người bị thoái hóa khớp gối nên bổ sung. Bên cạnh đó, người bệnh cũng tuyệt đối tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích bởi chúng có thể làm giảm tuần hoàn máu và chứa nhiều thành phần gây hại cho khớp gối khiến cho những cơn đau trở nên dữ dội hơn. 3. Cần làm việc, nghỉ ngơi hợp lí Làm việc quá nhiều, nhất là những công việc nặng nhọc sẽ khiến cho tình trạng thoái hóa khớp gối càng trở nên nghiêm trọng. Người bệnh không nên mang vác vật nặng, tránh đứng hay ngồi quá lâu một chỗ bởi có thể khiến cho khớp xương bị khô cứng. Thay vào đó, người bị thoái hóa khớp gối nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi thật hợp ý để giữ cho cơ thể luôn được thư giãn, thoải mái, tránh những áp lực trong công việc cũng như cuộc sống. Một tinh thần thoải mái luôn là liều thuốc tự nhiên hữu hiệu trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. 4. Rèn luyện khoa học Chế độ tập luyện là một phần rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, người bệnh thoái hóa khớp gối lại gặp cản trở trong việc rèn luyện thể dục thể thao do khả năng vận động bị hạn chế ít nhiều tùy theo tình trạng bệnh. Ngoài việc đi bộ thể dục thì vẫn còn một số lựa chọn khác cũng rất phù hợp với người bệnh thoái hóa khớp gối như: - Đi xe đạp: Đi xe đạp ngoài trời hay tại chỗ trong nhà tại các phòng tập một cách phù hợp cũng rất hữu ích. Nó không chỉ giúp cho khớp gối được vận động một cách nhẹ nhàng, tránh khô cứng mà còn giúp máu được lưu thông tốt hơn. - Bơi lội: Được đánh giá là một trong những bộ môn thể thao rất tốt trong quá trình điều trị các bệnh lí về xương khớp, nhất là bệnh thoái hóa khớp gối. Bơi lội ngoài việc giúp tăng cường sự dẻo dai cho hệ thống xương khớp còn có khả năng làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. - Tập dưỡng sinh: Thoái hóa khớp gối là một bệnh lí xương khớp xảy ra nhiều hơn ở người lớn tuổi. Chính vì thế mà tập thể dục dưỡng sinh là một lựa chọn rất phù hợp cho họ. Vừa giúp duy trì sự linh hoạt dẻo dai cho các khớp lại vừa khiến tinh thần thoải mái, đầu óc minh mẫn. Bài viết của chúng tôi không chỉ giúp mọi người giải đáp vấn đề "Bị thoái hóa khớp có nên đi bộ không?" mà còn đưa ra những biện pháp hữu ích giúp nhanh chóng cải thiện bệnh. Mọi người hãy chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe xương khớp để có thể sớm đẩy lùi tình trạng thoái hóa khớp gối.