Tom Clancy's Splinter Cell : Pandora Tomorrow

Thảo luận trong 'Previews (Tin tức - giới thiệu - bình luận)' bắt đầu bởi NNK, 6/1/04.

  1. NNK

    NNK Dragon Quest

    Tham gia ngày:
    24/5/02
    Bài viết:
    1,222
    Tom Clancy’s Splinter Cell : Pandora Tomorrow
    Phát hành: Ubisoft Entertainment
    Phát triển: Ubisoft Shanghai và Ubisoft Annecy
    Thể loại: 3rd Person - Hành động
    Hệ máy: PlayStation 2, Xbox, GameCube, PC, GBA (có vài khác biệt)
    Ngày phát hành: 12/3/2004
    ESRB: Teen

    Ghi chú: ACT: Hành động, AVD: Phiêu lưu, FPS: thể loại chơi hành động lén lút - như ăn trộm

    Nếu như muốn cho ra một câu đánh giá chung tổng quát nhất về tình hình game ACT thế giới năm 2003, bạn sẽ có thể nhận xét điều gì ? Xin thưa, tình hình có thể tóm tắt trong một câu ngắn gọn: 2003 là năm “được mùa” của game ACT sử dụng giao diện FPS !

    Thực vậy, nhìn lại suốt năm vừa qua, ACT-FPS tỏ ra lấn lướt hoàn toàn thị trường game ACT thế giới với một loạt những cái tên “nóng bỏng” đang được đánh giá rất cao như Halo: Combat Evolved (Microsoft), Socom-Navy SEALII, Desert Storm II, RainbowSix 3 (Ubisoft Entertainment) hay Medal of Honor: Allies Assault và Battlefield 1942: The Road to Rome (EA Games)…v.v… Trong khi đó, thể loại 3rd Person-Action, sau khi lên tới đỉnh cao vào những năm cuối cùng thập kỉ 90 của thế kỉ trước, dường như đã bắt đầu biểu hiện những dấu hiệu của sự mệt mỏi. Suốt cả năm, không những ít game loại này ra đời mà trong số ít ỏi đó cũng không có mấy gương mặt khả dĩ. Tomb Raider Angel of Darkness (Eidos Int.) thì “đầu voi đuôi chuột” quá, nửa ACT, nửa AVD lại “pha trộn” theo một công thức…linh tinh, dẫn đến việc “phá khẩu vị” của người hâm mộ ,chưa kể tới cả đống lỗi phần cứng. Dino Crisis 3 (Capcom) thì quay ngoắt 1800, làm người chơi sững sờ với một phong cách chơi…trẻ con quá cỡ ! Silent Hill 3 có khá hơn, giữ được nét đặc trưng nhưng không được đánh giá cao về nội dung, lại không đưa lại được cải tiến gì đáng kể, Metal Gear Solid 2: Substance thì gần như dập khuôn lại của Sons of Liberty. Trong hoàn cảnh đó, sự thành công của hai gương mặt, một mới (Freedom Fighter của Io Int.), một cũ (Max Payne 2 - Remedy) cũng không thể cứu vãn nổi một “mùa giải” thất bát của 3rd Person ACT và tất cả như bị chìm đi trong một rừng Crosshair của FPS-ACT. Liệu đây có phải là dấu hiệu sự suy tàn của thể loại 3rd Person Action không ? May mắn là không, vì đây đó vẫn có những điểm sáng le lói, và những thông tin hứa hẹn sự tỏa sáng trở lại của thể loại này trong năm mới 2004. Đó là những thông tin về Metal Gear Solid 3, Hitman: Contracts, và gần đây là Tom Clancy’s Splinter Cell : Pandora Tomorrow từ Ubisoft…

    Phiên bản đầu tiên của Splinter Cell đã là một sự “đánh bóng” tên tuổi của Ubisoft, đánh dấu cuộc tiến công của hãng phát hành game trẻ đầy tham vọng này vào thể loại Stealth-ACT. Ubisoft Montréal có thể nói đã thành công trong việc tạo dựng nên một game hành động xuất sắc. Với một cách chơi hợp lí, một nền đồ họa rất ấn tượng (đặc biệt là các hiệu ứng ánh sáng), một cốt truyện hay, nhiều tính chất bất ngờ và những nhân vật có sức thu hút đã đem lại cho Splinter Cell một chỗ đứng nổi bật so với các game khác cùng thể loại. Thậm chí nhân vật chính Sam Fisher từng được các nhà phê bình đánh giá là có khả năng cạnh tranh với Solid Snake của MGS và gã sát thủ đầu trọc mang mã số 47 của Hitman, hai game được coi là “kinh điển” của thể loại Stealth ACT này. Sau khi gặt hái được nhiều thành công bất ngờ trên hệ máy Xbox (2001), Ubisoft đã lần lượt cho Splinter Cell ra mắt trên PC (2002) và năm nay là trên PS2 và GameCube ( hai phiên bản này đã được chuyển giao từ Ubisoft Montréal sang cho Ubisoft Thượng Hải thực hiện) với một số thay đổi nhỏ so với bản chính thức trên Xbox. Tiếp nối hai phiên bản cho PS2, GameCube và để thực hiện chiến lược “Đông tiến”, chinh phục thị trường Trung Quốc rộng lớn của Ubisoft, Ubi Thượng Hải cũng sẽ là người thực hiện bản sequel của Splinter Cell với tên gọi Pandora Tomorrow này. Ubisoft Thượng Hải, tuy chỉ kế thừa lại game này từ Ubi Montréal nhưng cũng tỏ ra đầy tham vọng và tự tin khi ra tuyên bố sẽ cố gắng tạo ra một game sequel vượt trội so với bản chính thức. Vậy thì từ những thông tin mà Ubi Thượng Hải cung cấp, chúng ta hãy cùng hình dung thử xem game Clancy’s sắp tới trên PS2 và Xbox (bản cho GameCube và PC sẽ phát hành sau hai bản này) sẽ có diện mạo ra sao ?

    Một trong những việc đầu tiên mà Ubisoft Thượng Hải đã làm đó là rà soát lại thật kĩ lưỡng bản Splinter Cell chính thức để tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu và phong cách đặc trưng của game. Nhà sản xuất đã đánh giá tỉ mỉ lại những level của game trước và sử dụng những điều rút tỉa ra được để bảo đảm rằng những cải tiến mới mà hãng sẽ đưa vào trong game sẽ kết hợp chặt chẽ với những nét đặc trưng mà Splinter Cell đã đem lại cho người chơi trước đó thành một khối vững chắc và coi đó như một nền móng xây dựng game. Phương diện đầu tiên của game được xét tới đó là bối cảnh diễn ra các sự kiện. Trong bản Spliter Cell trước, mối liên hệ giữa các mưu đồ ngầm, các hoạt động do thám, gián điệp và các mục đích chính trị của các mưu đồ cũng như hoạt động gián điệp đó diễn ra một cách khá phức tạp, đan xen với nhau một cách chặt chẽ nhưng lại thiếu trọng tâm. Nói cách khác game diễn biến qua nhiều sự kiện đan xen lẫn nhau nhưng trong đó lại không có sự kiện nào đóng vai trò quyết định, nổi lên như là sự kiện chính của game (công bằng mà nói thì Ubisoft Montréal cũng bị bó buộc vì phải mất mấy mission để giới thiệu thế giới của Sam Fisher với người chơi). Pandora Tomorrow sẽ khắc phục khuyết điểm này với một cốt truyện chặt chẽ hơn nhiều. Trong lúc này, khi chi tiết nội dung của game vẫn chưa được công bố, chúng ta chỉ có thể dự đoán rằng game vẫn sẽ bám sát và tái hiện tình hình Địa-Chính trị trong thực tế như ta đã thấy ở Splinter Cell và nâng cao bằng một số thay đổi mới xuất hiện trên bản đồ thế giới. Với một diến biến chặt chẽ, cộng với việc không cần phải làm lại hoàn toàn môi trường trong game, đã tạo điều kiện để các nhà làm game chú ý nhiều hơn tới việc đổi mới hình ảnh nhân vật chính Sam Fisher. Cốt truyện của Pandora Tomorrow cũng hứa hẹn có một tầm bao quát rộng lớn hơn và người chơi sẽ có thể có một cái nhìn cụ thể hơn về NSA-Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kì (National Security Agency), cơ quan an ninh mà Sam phục vụ, với việc sẽ thấy những nhân viên khác của NSA tham gia các nhiệm vụ trong game.

    Trong khi giấu nhẹm nội dung của game thì Ubi Thượng Hải lại tỏ ra khá “cởi mở” với giới truyền thông về các hệ thống sẽ được sử dụng cho Pandora Tomorrow. Người chơi sẽ có 2 chế độ chơi Single Player và Multi Player. Tuy nhiên theo những gì mà Ubi TH đã tuyên bố thì Pandora Tomorrow vẫn nhắm tới mục tiêu trở thành một game chơi đơn nên chế độ Multi Player sẽ không được chú trọng nhiều. Trong khi vẫn giữ nguyên các thiết kế chuyển động cơ bản và hệ thống điều khiển của game, Ubi Thượng Hải cũng sẽ bổ sung thêm một số cải tiến và thay đổi nhỏ nhằm tạo ra một tổ hợp hệ thống chuyển động hợp lí nhất có thể được. Ví dụ : Bạn vẫn sẽ được điều khiển Sam Fisher ở góc nhìn 3rd person, và vẫn sẽ thấy những động tác nhanh, mạnh mẽ của Sam khi anh ta bí mật đột nhập hay áp sát tấn công đối phương…Tuy nhiên, một số động tác cũ của Sam sẽ được cải tiến cho hữu dụng hơn nữa, VD : Sam giờ đây có thể dồn trọng lượng cơ thể lên chân phải hay chân trái khi thực hiện động tác nhảy bật hai bước tuyệt kĩ của mình, điều này sẽ giúp Sam thực hiện động tác một cách uyển chuyển và thay đổi góc nhảy tốt hơn. Bên cạnh những cải tiến đó, người chơi cũng sẽ có thể thấy những động tác hoàn toàn mới như động tác trườn nhanh giúp cho Sam vượt qua những khoảng trống rộng, nhanh chóng lẩn vào trong bóng tối, người bạn tin cậy nhất của những kẻ đột nhập đơn độc như Sam. Thêm một sự thay đổi đáng giá nữa đó là cách chơi của game, trong đó yếu tố suy luận, một yếu tố bị các nhà làm game “tiết kiệm” hơi nhiều trong những game ACT gần đây, sẽ xuất hiện nhiều hơn trong Pandora Tomorrow. Điều này sẽ bắt buộc người chơi phải sử dụng tới cái đầu nhiều hơn khi chơi game này. Cuối cùng, một điểm mới đáng chú ý nữa đó là chế độ mà Ubisoft gọi là “Vibration Warning” được lần đầu thử nghiệm trên thực tế. Với chế độ này, người chơi sẽ được báo động trước một nguy hiểm tiềm tàng mà bằng mắt thường người chơi không thể thấy được (ví dụ như khi nhân vật tiến tới gần một trái mìn chôn dưới đất chẳng hạn) thông qua hệ thống rung Vibration của Console máy trò chơi điện tử. Trước mắt, công nghệ mới này chỉ có người chơi Pandora Tomorrow trên các hệ máy PS2, Xbox và GameCube mới được hưởng, còn đối với các PC gamer vốn đã quá quen “tay chuột tay phím” thì có lẽ sẽ không có được sự tiện lợi này (hiện nay cũng có một vài thông tin nói rằng Ubisoft đang nghiên cứu phát triển Driver cho một vài loại tay điều khiển Joystick có hỗ trợ Vibration, nhưng đều là những loại rất khó mà mua được ở Việt Nam, chưa kể tới mức giá cắt cổ của nó).

    Với những nhiệm vụ nguy hiểm như của Sam Fisher, những kĩ năng bản thân không bao giờ là đủ cả, và do đó nhân vật sẽ phải cần tới các loại “đồ chơi” chuyên nghiệp ! May mắn thay, những kĩ năng bản thân của Sam lần này sẽ được hoàn thiện thêm bởi hàng loạt các công cụ được cải tiến. Khẩu súng giảm thanh FN7 quen thuộc của Sam đã được gắn thêm một hệ thống ngắm Laser, giúp cho việc ngắm bắn chính xác hơn. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày thì phải có móng tay nhọn”, cùng với việc cải tiến vũ khí, AI của kẻ địch cũng sẽ được Ubisoft cải tiến và sẽ triệt để tuân theo các khái niệm Logic học như trong thực tế. Ví dụ : Nếu bạn ngắm bắn một tên địch từ trước mặt, hắn ta sẽ có thể nhìn thấy chấm đỏ phát ra từ hệ thống ngắm bắn laser của bạn và tránh đạn ngay. Tiếp theo hắn ta sẽ lẩn trốn và báo động cho những tên địch xung quanh. Tiếp theo, bọn tiếp ứng sẽ mặc áo chống đạn, đội mũ bảo vệ vào và chia nhóm đi “lùa” bạn. Ngay cả khi bạn trốn thành công thì sau khi báo động, tình hình quân địch cũng sẽ đổi khác rất nhiều, chúng tăng thêm quân bảo vệ được trang bị tới tận răng, chia thành nhóm chứ không đi đơn lẻ nữa, chưa kể tới tinh thần cảnh giác của bọn chúng cũng được nâng cao lên gấp nhiều lần. Những điểm mới này trong AI của game sẽ thực sự đưa lại cho người chơi những thử thách rất lớn. Mặc dù vậy, những công cụ độc đáo mà Sam được trang bị vẫn sẽ đủ để giúp bạn tìm ra được cách hoàn thành nhiệm vụ, ví dụ như chiếc camera tử ngoại có thể giúp Sam nhìn xuyên qua mọi vật, khảo sát mọi khu vực mà không cần phải lộ mặt ra chẳng hạn. Ubi Thượng Hải cũng cho biết họ sẽ thiết kế nhiều phương án xử lí tình huống cho người chơi chọn lựa chứ không bó buộc người chơi phải theo một cách xử lí duy nhất nào.

    Chế độ chơi Multiplayer của PT hơi khác thường, nó được gọi là “ Mercenaries vs Spies” và người chơi có thể tùy chọn chơi bằng các Spy hay các Mercenary. Như đã đề cập tới bên trên, cốt truyện của Pandora Tomorrow sẽ chú ý tới thực tế là NSA không chỉ có một mình Sam Fisher mà còn có nhiều nhân viên khác nữa như Sam, và chế độ chơi Multiplayer này sẽ cho phép bạn thực hiện những nhiệm vụ của nhân viên đó. Nói một cách tổng quan, chế độ này đưa người chơi vào tình huống đóng vai một điệp viên mật được NSA cài cắm vào một tổ chức tội phạm với mục tiêu là đánh cắp những thông tin được chứa đựng trong một chiếc máy tính. Và đối thủ của bạn sẽ là những tên lính đánh thuê của tổ chức đó, những kẻ có nhiệm vụ ngăn cản các điệp viên đánh cắp những thông tin kia. Trong khi cách chơi của phần này cũng giống như Singleplayer, thì đây là điểm khác biệt lớn nhất : Đó là việc tất cả các loại vũ khí của bạn đều là vũ khí KHÔNG SÁT THƯƠNG. Cũng chả có vấn đề gì ! Vũ khí không sát thương cũng không sao ! Thế nhưng vấn đề là ở chỗ những Mercenary thì lại được vũ trang tới tận răng với tiểu liên tự động, hệ thống theo dõi chuyển động có thể phát hiện những chuyển động nhỏ nhất của Spy, mìn cá nhân và cả thiết bị dò xung điện từ EMF (Electromagnetic field detector) chuyên dùng dò sóng điện từ phát ra từ thiết bị liên lạc của các Spy !!! Bạn đã thấy phần này “dễ dàng” đến thế nào chưa ?.

    Và nếu phần trên đây khiến bạn có lời thề rằng sẽ chỉ chơi Multi bằng các Mercenaries, thiết tưởng chúng ta cũng nên ngó qua xem nếu chơi bằng các Mercenary thì sẽ như thế nào ? Tất nhiên, những nhân vật này cũng có những đặc điểm riêng của nó, đó là chế độ First Person Shooter. Ngược lại với chế độ 3rd person của các Spy có tầm bao quát xung quanh tốt hơn, góc nhìn FPS này không có được tầm nhìn tốt nhưng lại giúp bạn bắn rất nhanh, do đó bạn phải dựa nhiều vào các thiết bị mang theo để tìm các Spy. Và nếu bạn nghĩ rằng chơi bằng các Mercen’s này sẽ dễ dàng hơn thì bạn đã nhầm, vì nhà sản xuất (phần này do Ubi Annecy thực hiện) đã tính toán kĩ để độ khó của hai phần này cân bằng nhau ở mức tối đa. Cũng giống như Sam có thể lẩn ra đằng sau đối thủ để tấn công, các Spy có thể rất nhanh lẩn ra đằng sau các Mercenary để bắt giữ họ làm con tin và nếu để điều này xảy ra thì bạn phải chịu làm bia đỡ đạn cho các Spy cho tới khi nào đươc thả ra.

    Như đã nói ở trên, do nhắm tới việc đưa Spliter Cell trở thành một game chơi đơn nên chế độ Multi của Pandora Tomorrow không hỗ trợ nhiều người chơi, tối đa game chỉ hỗ trợ 4 người chơi mà thôi. Cũng vì số người chơi không lớn nên các màn của phần Multi này cũng không rộng lớn cho lắm, nhưng bù lại chúng có rất nhiều ngõ ngách rắc rối. Tóm lại, phần Multiplayer của Pandora Tomorrow gần giống với phần Multi của Syphon Filter 4, một game thuộc serie game Stealth ACT rất nổi tiếng của hệ PS ngày trước (đáng tiếc là ngày nay serie game này đã tàn lụi theo cùng với chiếc máy Playstation mất rồi !), nghia là nó gần như chỉ là một bản sao mang một phong cách chơi khác của phần Singleplayer chứ không thực sự là Multi đúng nghĩa của nó. Điểm duy nhất đáng chú ý của phần chơi này là chế độ hỗ trợ “Chat Voice”, qua đó hai người chơi online có thể đối thoại với nhau qua PS2 USB headset hoặc Xbox Live! Comunicator khi hai nhân vật họ sử dụng gặp mặt nhau.

    Với việc tiếp tục sử dụng Engine đồ họa của Splinter Cell và mời chuyên gia đồ họa của Ubisoft Montréal tham gia cố vấn, đồ họa của Pandora Tomorrow chắc chắn sẽ rất tuyệt vời. Mặc dù cho tới nay mới chỉ có vài bức hình Screenshot và hai đoạn Trailer được Ubi công bố nhưng qua đó cũng đã thể hiện phần nào đồ họa của game này. Nhận xét trên Screenshot thì hai bản PS2 và Xbox chất lượng đồ họa gần như tương đương nhau, rất khó nhận xét ra sự khác biệt. Nhận xét qua trailer thì bản dành cho PS2 có vẻ hình ảnh không sâu và sắc nét bằng bản Xbox, âm thanh của bản PS2 cũng trầm hơn, không sắc và rõ như bản Xbox, thế nhưng khung cảnh môi trường trong bản PS2 lại có vẻ tốt hơn. Trong đoạn Trailer trích từ màn Indonesia này, Sam bắt đầu nhiệm vụ trên một cánh đồng rộng trải đầy những lùm cây nhỏ đang đung đưa trong gió, và chúng uốn cong rồi bật trở lại mỗi khi bước chân của Sam lướt qua chúng. Quần thể công trình nơi Sam đột nhập và địa hình xung quanh công trình đó rất đa dạng. Chất lượng đồ họa bề mặt vật thể khá cao và sắc nét. Hình ảnh của Sam thiết kế tốt, trông rất chi tiết và sống động, đặc biệt bộ đồ đặc nhiệm của Sam rất thực, chúng ôm sát lấy cơ thể Sam và co giãn theo từng chuyển động của anh. Tuy nhiên, trong đoạn Trailer này các hiệu ứng môi trường quá ít nên chưa thể nhận xét gì về hiệu ứng môi trường và hiệu ứng ánh sáng cả. Trong khi đó đoạn trailer của Xbox là một đoạn trích từ một màn trên tàu hỏa + đoạn trích từ Multiplayer mode, trong đó Sam phải tìm đường đi qua các toa tàu mà không để bị phát hiện bởi những tên khủng bố ẩn mặt và tránh để bị chú ý bởi những hành khách trên tàu. Cấu trúc của phần Multi khá giống với phiên bản trước, góc nhìn 1st person hoạt động tốt và có một vài điểm cải tiến về đồ họa thể hiện ở những thời điểm đối đầu với địch thủ (cụ thể những vết đạn găm vào tường, vệt khói súng, tia lửa tóe ra khi đạn bắn vào kim loại được thể hiện đẹp hơn so với bản trước). Nếu bạn không quá khó tính trong việc chọn game Multi chơi đông người hay ít người, thì phần Multi này chắc cũng không tới nỗi tệ lắm đâu !

    Về âm thanh, hiện nay phần âm thanh của game vẫn chưa được hoàn tất cho cả hai phiên bản nên thông tin về phần này cũng không nhiều. Chúng ta mới chỉ biết rằng âm thanh của mỗi bản đều được thiết kế riêng rẽ và giống như bản Splinter Cell trước. Tuy nhiên, để phát huy điểm mạnh của từng loại máy, bản Pandora cho hệ PC và Xbox sẽ được thiết kế âm thanh hỗ trợ chuẩn âm thanh Dolby Digital 5.1 còn bản cho hệ PS2 và GC sẽ được thiết kế theo chuẩn Dolby Pro Logic II. Ngoài ra, Ubioft sử dụng lại hầu hết các diễn viên lồng tiếng đã thực hiện bản S.Cell trước nên tiếng nói của Sam và các nhân vật phụ khác sẽ không khác gì bản trước cả.

    Từ những dự đoán sáng sủa này, Splinter Cell: Pandora Tomorrow có vẻ rất hứa hẹn. Cùng với Metal Gear Solid 3 và Hitman 3: Contracts, rất có thể Splinter Cell: Pandora Tomorrow này sẽ là những game 3rd person ACT nổi bật nhất của năm mới 2004 này đấy. Liệu Pandora Tomorrow, cùng với những người anh em khác cùng thể loại với mình có lấy lại được vị thế vốn có của 3rd person ACT không ? Chúng ta hãy cùng chờ xem và đánh giá khi game này phát hành vào tháng 3 tới đây vậy !

    Người viết: NNK
     

Chia sẻ trang này