Thỉnh thoảng anh em đọc đâu được truyện nào hài hài mà ý nghĩa 1 chút thì nhét vào đây nhé. Tớ góp 2 truyện của nhà văn Azit Nexin trước. Cấp 3 đọc được mấy truyện thấy hay hay hôm qua tự nhiên nhớ ra nên đi mua được tuyển tập của ông này đọc thấy giọng văn hài vãi. Chắc nhiều người cũng biết bác này vì trình đá đểu thượng thừa. Chống chỉ định các thành phần không bao giờ đọc sách nha Giá như không có ruồi. [spoil]Lúc lên 10 tuổi, nó bảo: - Úi dà! Nếu tôi cũng có cặp sách như những đứa khác, cũng có đồ chơi, có những quyển tranh đẹp như chúng, thì xem tôi học giỏi không nào!... Ðây tôi lại chẳng có gì cả! Thế thì làm sao mà học giỏi được! Ðến năm 13, nó cũng có đủ sách, vở, bút, cặp và đồ chơi như những đứa trẻ khác. Nhưng nó học vẫn không được. Nó lại than phiền: - Quần áo đẹp thì không có! Nhà cửa thì chật chội, cả mấy bố, mẹ và anh chị em tôi phải ở chung một buồng. Thế thì học làm sao được! Giá tôi được một cái buồng, một cái tủ sách và bàn học riêng xem! Tôi không học giỏi bằng mấy chúng nó ấy à! Năm 18 tuổi, người ta dành cho hắn một cái buồng riêng. - Học giỏi thế quái nào được, nếu đến tuổi tôi mà trong túi chẳng có nổi lấy 10 lia! Muốn mua sách vở nhưng lại không có tiền. Năm 20 tuổi, trong túi hắn lúc nào cũng đã có ít nhất 10 lia, có khi còn nhiều hơn. - Ôi! Mong sao học chóng xong để ra đi làm! Tốt nghiệp đại học rồi tôi sẽ làm việc cật lực cho mà xem!... Tôi sẽ bắt đầu viết truyện... à không! Viết hẳn tiểu thuyết ấy chứ! Chao ôi! Ước gì tôi chóng được ra trường. Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, hắn than thở: - Tôi không tìm được việc gì hợp ý nguyện cả, vì đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chuyện sắp phải tòng ngũ. Chỉ mong sao cái thời hạn tại ngũ chóng qua đi. Lúc ấy tôi sẽ làm việc ngày đêm để cướp lại thời gian! Thế nào tôi cũng phải viết một tác phẩm thật vĩ đại, để mọi người phải nhắc đến tên tôi!... Chà, cái chuyện tòng ngũ tai ác này!... Ðến năm 26, hắn hết hạn phục vụ trong quân đội. - Tôi vẫn chưa thể nào bắt tay vào làm việc một cách thật sự được. Vì cứ quanh quẩn lo hai bữa ăn đã hết ngày rồi. Khi nào người ta chưa có được một công việc đàng hoàng và một khoản thu nhập cố định, thì chưa thể nói gì đến chuyện sáng tác! Năm 28 tuổi, khi đã có công ăn việc làm tử tế, hắn kêu: - Ðiều kiện thiếu thốn thế thì sáng tác thế quái nào cho được! Ít ra là phải có hai buồng và có máy thu thanh! Lúc nào làm việc mệt, mở máy ra nghe nhạc cho đỡ mệt, sau đó lại tiếp tục làm việc. Như thế tinh thần mới sảng khoái, làm việc mới có hiệu quả được chứ! Ôi! Giá tôi có một chiếc máy thu thanh thì hay biết chừng nào? Năm 29 tuổi, hắn tậu được một căn nhà hai buồng và sắm được một cái máy thu thanh. Nhưng tác phẩm mà hắn dự định từ bao nhiêu năm nay vẫn đứng nguyên tại chỗ. - Chao ôi là cô đơn! - hắn thở dài - Sự cô đơn làm cho lòng tôi trống trải như một bãi sa mạc! Thử hỏi như thế làm sao tôi có thể tìm ra cảm hứng sáng tác được! Ôi! Phải có một tia nắng nào sưởi ấm được lòng ta! Phải có một ngôi sao nào đem lại cho ta nguồn vui và nguồn sức mạnh! Phải có một người nào mà vì nó ta sẵn sàng làm việc quên ăn quên ngủ chứ!... Ai là người có thể làm thần tượng cho ta, có thể làm mục đích của đời ta? Ôi, tình yêu của ta! Người ở đâu? Ðến năm 30 hắn gặp được nàng. Hắn yêu nàng và cũng được nàng yêu lại. Cuộc sống của hắn bắt đầu tràn đầy ý nghĩa. Nhưng cuốn tiểu thuyết mà hắn ấp ủ từ hồi còn niên thiếu vẫn chẳng nhích thêm được một dòng nào. - Yêu đúng là một hạnh phúc tuyệt vời! - hắn suy nghĩ - nhưng nếu cứ yêu mãi mà không cưới thì vẫn chưa thể an tâm làm việc được. Ta phải cưới thôi. Có lấy vợ rồi thì cuộc sống mới ổn định, mới có thể hoàn toàn yên tâm lao vào sự nghiệp. Chà, mong sao ta sớm cưới được nàng! Bấy giờ ta thề sẽ lao đầu vào sáng tác, không bỏ phí lấy một phút cho mà xem! Năm 32 tuổi hắn cưới vợ. Cuộc sống vợ chồng của hắn hạnh phúc lắm! Nhưng không hiểu sao hắn vẫn không thể bắt tay vào cái sự nghiệp cả đời của hắn được. Ấy là vì hắn lại tìm thấy những lý do thật là xác đáng - bây giờ trên vai hắn có cả một gánh nặng gia đình. Quanh năm suốt tháng hắn phải lo chạy vạy kiếm miếng ăn. Thế thì thì giờ đâu để hắn ngồi sáng tác nữa? Năm 36 tuổi hắn được tăng lương. Nhưng ta hãy nghe hắn nói: - Ðã đành là mình có nhà riêng đấy! Nhưng nhà cửa chật chội quá! Trẻ con lại suốt ngày nô đùa ầm ĩ, không sao làm việc được. Giá mình kiếm được ngôi nhà độ 4, 5 buồng thì tuyệt quá! Lúc ấy mình sẽ làm việc phải biết nhé! Phải xắn tay áo lên mà làm mới được! Năm 38 tuổi hắn dọn đến ở một biệt thự 5 buồng. Song tác phẩm của hắn vẫn không tiến thêm được một tý nào. Hắn vẫn chưa thể làm việc được. Nhưng phải đâu là lỗi tại hắn? - Làm sao mà có thể sáng tác trong một ngôi nhà ở ngay giữa khu phố đông đúc ồn ào như thế?! Các người có giỏi thì sáng tác xem nào! Không! Mình cần có một nơi yên tĩnh, nếu dọn được đến một nơi yên tĩnh thì nhất định thế nào mình cũng làm việc được, mà làm ra trò chứ không phải đùa! Năm 40 tuổi hắn dọn đến một khu phố tĩnh mịch. Ngôi nhà của hắn thật rộng rãi và thoáng mát. Từ cửa sổ nhìn ra phong cảnh đẹp tuyện trần. Bây giờ chắc hắn phải bắt tay vào sáng tác thực sự được rồi chứ gì nữa? Vẫn chưa à? Tại sao vậy? - Chà! - hắn than phiền - Sáng tác gì được khi mà trong nhà không có những đồ vật đẹp! Không có những bức tranh quý, không có những bộ xalông êm, không có một cái bàn viết cho ra trò, không có những tấm thảm mịn! Muốn sáng tác thì mắt phải được nhìn những đồ đạc xinh đẹp, tai phải được nghe những điệu nhạc du dương chứ! Than ôi! Không biết có ngày nào mình thực hiện được cái mơ ước ấy không?... Ðược thế, mình thề sẽ dốc hết sức ra mà làm việc, cho thiên hạ biết tay!... Năm 42 tuổi hắn có được tất cả những thứ hắn mơ ước: những đồ đạc quí giá và tiện nghi đầy đủ. Nhưng chẳng hiểu sao hắn không tài nào tập trung tư tưởng vào công việc được. Tác phẩm của hắn vẫn không nhích thêm được chút nào. - Trời ơi! - hắn bảo thế - Các người có hiểu đâu hoàn cảnh của tôi! Các người cứ nhìn bên ngoài nên tưởng tôi sung sướng, mãn nguyện lắm, không còn điều gì phải phàn nàn nữa... Mà kể ra tôi cũng mãn nguyện thật, vì tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh, không lúc nào thiếu cả, lại được vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng nữa. Ðồ đạc tronh nhà thì toàn loại quý và tiện nghi đầy đủ, thì giờ lại nhiều nữa này... Thế nhưng... phải mỗi cái tội là... ruồi! Ruồi nhiều quá! Ruồi không còn làm ăn gì được nữa! Nó cứ bâu vào người, cứ vo ve bên tai nghe sốt cả ruột, tư tưởng không sao tập trung được! Ban ngày không chợp mắt nổi vì ruồi, thành ra ban đêm không còn sức để thức mà sáng tác nữa. Giá không có ruồi thì tôi làm việc phải biết nhé! Cứ gọi là làm như điên ấy chứ không nói chuyện!... Tôi thề như vậy! Nhưng... cái lũ ruồi khốn kiếp!... Tôi không biết làm thế nào với chúng cả. Ðóng cửa lại thì nóng! Mà che rèm thì mất đẹp. Các người bảo tôi làm việc về mùa đông ư? Nhưng có thực là mùa đông không có ruồi không? Trời ơi! Không hiểu ai sinh ra giống ruồi làm gì không biết? Tôi chịu không hiểu nổi. Năm nay hắn mới 42 tuổi. Vì thế chúng ta vẫn chưa hết hy vọng. Một ngày kia, khi giống ruồi bị tiêu diệt hết trên thế gian này, như điều hắn mơ ước, thì chắc chắn thế nào hắn cũng sẽ làm việc không ngơi tay để tạo ra cho thế giới cái tác phẩm vĩ đại của hắn. Ðấy, rồi các bạn xem! [/spoil] Rất tiếc là không xong rồi.. [spoil]- Muốn gì thì muốn, chúng tôi cũng cứ cưới vợ cho anh! - mọi người xúm vào bảo tôi vậy. Tôi giãy nảy lên, làm ra bộ không thích. Nhưng kỳ thực trong thâm tâm không có gì phản đối cả. - Cô này chăm chỉ nết na lắm! - Họ tìm cách thuyết phục tôi. Con gái mà điều đầu tiên được khen là nết na chăm chỉ, thì ắt là nhan sắc không ra gì rồi! Chắc thế nào cũng có khuyết tật gì đó. - Nết na hay không tôi cũng không cần lắm. Cốt nhất là làm sao mặt mũi phải dễ coi một tí, để nếu không phải suốt ngày, thì ít ra đôi lúc có thể ngắm được - tôi rụt rè bảo họ. - Cô ấy đi với anh thì xứng đôi lắm rồi, - họ nói cốt để tôi yên lòng. Nhưng chính đó lại là điều tôi sợ nhất...... - Cô ấy là người có học thức. Tiếp xúc với cô ấy thế nào anh cũng sẽ thấy hợp ngay! Điểm này thì tôi thích. Một cô gái có học thức! Phải nói rằng học thức dù sao cũng là một nét hấp dẫn đấy chứ! Các bạn cứ đọc các mẩu rao vặt kết hôn trên báo thì biết đấy. Từ anh thợ mới học nghề quét vôi cho đến nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, có ai là người không muốn kiếm một cô vợ có học thức đâu nào! - Mẹ cô ta là người Đức, còn bố là người Thổ. - A! Điểm này cũng hay đấy! Giống vật lai cũng giống như người lai, bao giờ cũng có những phẩm chất tốt lắm nhé! Tôi chợt nhớ đến phu nhân Phôn Xađrextainơ trong truyện ngắn trứ danh của Hôme Xaiphetiin. Đó là một phụ nữ có thân hình rắn rỏi. Sáng nào cũng vậy, ở chợ về, mình mặc bộ quần áo thể thao, tay xách làn, bà vừa đi vừa nện gót dày cộp... cộp... trông rất oai vệ. - Cô ta nói được cả tiếng Đức, tiếng Pháp lẫn tiếng Ý! Tôi thầm nghĩ: nếu săn được con chim này thì cũng thật bõ công chờ đợi hơn 40 năm giời! Người ta nói thế mà đúng: chỉ kẻ nào biết nhẫn nhục chờ đợi thì mới đạt được ý nguyện. Bà mối chính trong chuyện này là Mađơmoađen Êléplơra, 59 tuổi, người gày đét như con cá nắm. - Cô này rất xinh, thuộc loại tơrétgiôli (rất đẹp) đấy! Bà ta nói, - người cao, thon thả... trông tơrécuyntivê (rất có văn hoá), mà lại dòng dõi con nhà quí phái nhé! - Bà Êléplơra này, - tôi bảo,- thế bà đã nói cho cô ấy biết rằng tôi đã ngoại tứ tuần chưa? - Nói rồi! cô ấy bảo đàn ông cứ phải ngoại cái tầm 40 mới có thể gọi là đàn ông được! - Thế bà có bảo với cô ấy là vóc người tôi thấp bé không? - Có, nhưng cô ấy bảo được cái chắc anh thông minh! - Nhưng bà có kể cho cô ấy biết tôi chỉ là một nhà báo quèn, lương tháng không hơn gì mấy cô thợ đan bít tất, tức là chỉ có 50 lia một tuần, mà với điều kiện là phải làm vừa lòng ông chủ đấy! Bà đã kể cho cô ấy biết điều ấy chưa? - Rồi, kể hết rồi! Cô ấy có những ba cái nhà cơ, đồ đạc đủ hết, chả thiểu thứ gì! Nếu vậy thì được. Không có sau lại bảo không nói trước! Đã biết thế rồi mà cứ lao vào, sau này khổ thì đừng có trách! Đúng là cô ả muốn chuốc nợ vào thân, mà tôi thì hoàn toàn có khả năng làm cô ta được toại nguyện. Nói thật ra thì tôi cũng chẳng quan tâm mấy đến tất cả những chuyện này, nhưng chết nỗi một ông bạn cứ thiết tha muốn tôi lấy vợ. - Thôi, cưới quách đi cho rồi cậu ạ! Cho đời nó dễ chịu,- anh ta thuyết phục tôi,- và cũng để bọn tớ khỏi lo lắng về cậu nữa. Lo mãi cho cậu, tụi tớ cũng phát ngán lên rồi. - Sao cậu lại nói thế?- tôi bảo anh ta. - Cậu tưởng thời buổi bây giờ, một người con gái như thế... Chắc gì cô ta đã chịu lấy một thằng ngu như tôi! - Thôi, đừng có nói vớ vẩn! Đã bao năm cậu không được biết hạnh phúc là gì, thì bây giờ hạnh phúc tự đến với cậu. Chuyện ấy là thường chứ! Tôi đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cuối cùng đành liều gật đầu, mặc cho mọi sự đi đến đâu thì đến. Theo sắp đặt, người con gái mà số phận đã định cho tôi sẽ lấy làm vợ, sẽ đi cùng Êléplơra đến sở chúng tôi. Người bạn tôi sẽ phải có ở đó để đón họ. Ngày hẹn đã tới. Phải người nào đã từng nến mùi cuộc sống độc thân mới hiểu rõ cuộc sống có ý nghĩa như thế nào. Từ ngày hôm trước tôi đã phải lấy chiếc áo sơ mi trắng ra giặt, rồi phơi lên trên ban công cho khô. Nhưng ác một cái là hôm sau trời mưa tầm tã đến tận chiều. Áo rút từ trên dây xuống mà nước từ hai ống tay vẫn còn chảy tong tong. Tôi còn hai cái áo nữa, nhưng một cái thì bẩn quá, cái kia thì nhàu nát. À, thôi được, không sao. Tôi quyết định vắt thật khô... Lấy hồ phết vào cổ và hai ống tay, rồi cắm bàn là cho thật nóng... Áo may sẵn cái nào cũng thế, mặt trong cổ bao giờ cũng rộng hơn mặt ngoài, là thế nào cũng không phẳng được! Hoá ra tôi để quên bàn là ở trên quần. Tôi chạy vội đến nhấc ra, nhưng nó đã kịp làm cháy một miếng tướng ở đầu gối... Chà! cái cảnh sống độc thân đáng nguyền rủa này! Thôi, muốn gì thì muốn, tôi cũng phải lấy cô gái này thôi. Rút cuộc tôi đành phải mặc cái áo hãy còn ẩm, vác cái bộ mặt xây sước như bộ que tính có khía nấc, hãy còn rớm máu vì cạo vội, mà ra đi. Muộn mất rồi! Tôi nhảy đại lên một chiếc taxi, phóng như bay đến sở. Vừa đến nơi, anh bạn tôi đã nhảy bổ ra, nghé sát vào tai tôi bảo: - Cậu chết rấp ở đâu đấy? Để người ta chờ hơn một tiếng đồng hồ rồi! - Thế nào?... trông được chứ hả? Anh bạn tôi mặt không còn thần sắc. - Cứ vào xem khắc biết! Tôi hồi hộp quá! Ngay cả lúc sắp bước vào phòng thi hay thậm chí lúc sắp bị đưa ra toà án tối cao, tôi cũng chẳng thấy hồi hộp như thế... Mađơmoađen Êleptơra đây rồi!... Một sinh vật kỳ dị. Nó đưa mắt nhìn tôi có vẻ sợ sệt. Tôi ngoảnh vội sang phía người này, nhưng anh ta đã quay mặt vào tường. Thế là hết người cầu cứu. - Rất hân hạnh được gặp ông! - Xin lỗi vì đã làm cô phải chờ! Hai ánh mắt chúng tôi chợt gặp nhau... Trời ơi! Tôi muốn bê lấy cái bàn mà đập vào đầu Mađơmoađen Êleptơra một cái! Tôi tuy khù khờ thật, nhưng đâu đến nỗi để... Cái người đàn bà mà bà ta định giới thiệu làm vợ tôi này chỉ có thể dùng vào một việc thích hợp nhất là đem nhốt vào một cái lều, rồi đứng ngoài mà kêu: - Vào xem đi! Vào xem đi! Kỳ quan thứ 8 của thế giới đây! - Một quái vật kinh dị chưa từng có đây! Nói đúng hay sai vào xem sẽ rõ! Thoạt tiên có thể mang y đi trưng bày ở các chợ phiên hay các đám hội, sau đó mang đi trưng bày ở các tỉnh, rồi dẫn đi khắp vùng Anatôli. Rồi can đảm nữa thì làm một vòng quanh châu Âu, châu Mỹ, cho các nước người ta biết hệ động vật của nước ta còn thêm loại gì. Chúng tôi bắt tay nhau. - Cô có được khoẻ không ạ? - Mécxi! Còn ông? Đột nhiên Mađơmoađen Êleptơra to giọng hỏi tôi: - Ông thấy cô ta thế nào? - Bà Êleptơra ạ, bà có nghe nói ở Xtămbun người ta mới mở một vườn bách thú không? - Tôi hỏi. - Không! Bà mối buông một tiếng cộc lốc. Người con gái mà bà ta muốn sẽ làm tôi sung sướng, trông chả khác gì một con ngựa thồ nòi Hung-gia-lợi mà trước kia trong pháo binh người ta vẫn dùng để kéo những cỗ pháo nặng. Khi duyệt binh thì nó sùi cả bọt mép ra. Nói của đáng tội, giống ngựa thồ dù sao còn có ưu điểm là nó biết im lặng. Chứ đằng này vị hôn thê của tôi không lúc nào ngơi mồm. Y nói liến thoắng át hết cả chúng tôi. Những câu y nói không ai hiểu gì cả, vì cái miệng y, giống như kim địa bàn, lúc nào cũng muốn bật lên phía trên. Tuy vậy, để câu chuyện khỏi bị đứt quãng, thỉnh thoảng tôi lại phải đáp lại những câu y hỏi, mặc dù thực tình tôi không sao hiểu nổi y muốn hỏi gì. Nhưng bất cứ hoàn cảnh nào đề có lối thoát của nó. Nên tôi cứ nhìn mắt y mà trả lời "vâng" hoặc "không". Vì nhìn mắt bao giờ người ta cũng đoán được phần nào ý nghĩ. Nhưng đôi mí to mọng úp sụp làm mắt y trông thật dễ sợ. Y nhìn chúng tôi một cách lấm lét, như anh chủ hiệu tạp hoá giấu hàng lậu trong quầy bán trộm vào những hôm chủ nhật. Nói tóm lại, đấng tạo hoá chí tôn khi nặn ra kẻ tội đồ đáng thương này đã tỏ ra vô cùng sành sỏi về các kỳ hình quái dạng! Thánh Ala muốn nói gì, là điều ấy được thực hiện. Người ta bảo y biết bốn thứ tiếng, chao ôi! Lời đồn sao quá điêu ngoa! Có một hồi, đứng bán ở quầy, y cũng bập bẹ được dăm ba câu tiếng Pháp. Nhưng sau ít khách người ta không mướn y nữa. Người ta bảo mẹ y là người Đức. Cả chuyện này cũng đã sai lạc ít nhiều. Không phải mẹ y, mà bà hàng xóm ở cạnh nhà y cách đây mươi năm, là người Đức. Rồi, hẳn các bạn còn nhớ, người ta bảo y có ba căn nhà. Té ra không phải ba căn nhà, mà là một căn nhà có ba buồng. Mà bây giờ cũng đã bị cấm rồi. Ấy là chưa kể tám anh chị em y cùng chui rúc vào đó... Mađơmoađen Êleptơra hỏi lại tôi lần nữa: - Thế nào? Anh có ưng cô ta không? Bằng lòng nhé? Nếu vì lịch sự tôi bảo bằng lòng, thì sẽ hết đường rút lui. Người ta sẽ thít lấy cổ tôi mà bắt làm lễ cưới ngay. Vì thế tôi cứ ậm à ậm ừ... - Bà biết đấy... về những vấn đề như thế này thì... Có phải thế không ạ?... Trước hết người đàn ông phải... đúng không ạ? Người phụ nữ trong chuyện này thì... Vâ...â...ng! Còn về phần tôi... nhất định là tôi sẽ... thưa chuyện với bà sau... Tôi liếc người con gái đáng thương. Đôi mắt cô ta dán chặt vào tôi. Không khí bỗng trở nên nặng nề. - Trời hôm nay đẹp quá! Tôi vội chộp ngay lời cô ta như vớ phải cọc. - Vâng, thưa cô, trời hôm nay thật là tuyệt! Năm nay... Gì chứ đề cập đến chuyện thời tiết thì tôi có thể nói cả tuần liền không nghỉ! Nhưng bỗng tôi cảm thấy có một cái gì đau nhói ở trong lòng. Các bạn cứ nghĩ xem: người con gái xấu xí ấy muốn lấy chồng mà tôi lại là niềm hy vọng cuối cùng của cô ta... Nói ra sợ các bạn không tin, chứ quả thật mắt tôi lúc ấy bỗng rớm lệ. Nhưng tôi phải vội vàng quệt ngay nước mắt, vì sợ cô ta lại tưởng đó là dấu hiệu của bệnh già. "Mi hãy cưới người đàn bà ấy làm vợ đi! Tôi tự nhủ thầm vậy, dù sao đây cũng không phải là hành động điên rồ đầu tiên của mi cơ mà! Hãy lấy cô ta đi, rồi hãy cứ là một thằng ngốc như từ trước đến nay mi vẫn là như thế. Hãy tự hy sinh thêm một lần nữa để cứu lấy người đàn bà khốn nạn này!..." - Năm nay thời tiết không giống như năm ngoái... - Vâng, đúng ạ! Tôi nhìn người đàn bà. Chẳng giấu gì các bạn, trong lúc nhìn như thế, tôi tự hỏi: không biết sau khi cưới nhau, người ta còn phải làm gì nữa? Gì chứ việc tôi phải hôn y là cái chắc rồi! Với những ý nghĩ hết sức thiện chí ây, tôi bắt đầu quan sát kỹ khuôn mặt y, cố tìm xem có chỗ nào khả dĩ có thể đặt môi vào được. Nhưng... hỡi ôi!... Không một mi-li-mét vuông nào là không có nốt sần hay mụn trứng cá. Vẫn với một động cơ đầy thiện chí như thế, tôi lại quan sát các chỗ trên đôi cánh tay và mái tóc y. Nhưng than ôi, cũng chẳng thấy một khu vực nào nhẵn nhụi. "Đó chẳng qua là tâm hồn mi quá thơ mộng và óc tưởng tượng của mi quá phong phú đấy thôi! Tôi tự bảo mình như vậy. Mi cứ hãy nhìn khuôn mặt này rồi lại tưởng ra khuôn mặt khác!" Rút cuộc là buổi gặp mặt hôm ấy chúng tôi cứ loanh quanh suốt hai tiếng đồng hồ về chuyện thời tiết. Khi Mađơmoaden Êleptora và y đứng dậy ra về, tôi còn để ý thấy chân trái của y ngắn hơn chân phải đến năm sáu đốt. Nhưng bây giờ thì cái tật thọt của y chỉ khiến tôi càng thêm thương y mà thôi! Khi cách cửa vừa đóng lại sau lưng các vị khách bạn tôi hỏi: - Cậu thấy cô ta thế nào? - Tôi sẽ cưới người con gái này, - tôi đáp. - Cậu điên à!... - Anh bạn tôi quát lên. - Tôi không thể tìm được người đàn bà nào khá hơn thế đâu! Nhất định tôi sẽ cưới cô ta! Buổi tối, Mađơmoaden Êleptơra đến nhà tôi. - Tôi bằng lòng cưới đấy! - Tôi bảo bà ta. - Cưới ai? - Bà ta hỏi. - Còn ai nữa! Người con gái mà bà dẫn đến ấy! - Ồ, rất tiếc là không xong rồi!... Cô ấy lại chê anh![/spoil] Cho 1 tách trà đặc nhé [spoil]Ở những người cùng thế hệ với tôi, nghĩa là những người sinh ra vào cuộc Đại thế chiến thứ nhất và lớn lên đúng vào cuộc Đại thế chiến thứ hai, thì trừ một vài trường hợp rất hãn hữu, còn tôi thì cam đoan là anh nào cũng có một thói lập dị nào đó. Mà thậm chí đối với nhiều anh, nó còn trở thành một thứ nghiện nữa là đằng khác. Tôi dám đánh cuộc là phần đông những anh nào hễ cứ vừa đi ngoài đường vừa lẩm bẩm nói hay mỉm cười một mình, hay vừa đi vừa nháy mắt hay nhún vai, thì đều trạc tuổi tôi cả. Riêng về phần tôi, cái thứ nghiện đó là nước chè. Ngày nào mà chưa uống đủ hai ba chục chén là tôi không thể chịu được. Tất nhiên, sở dĩ tôi chỉ ra một thói hư dễ tha thứ nhất trong các thói hư của tôi, chẳng qua là vì tôi độ lượng với mình mà thôi, chứ đối với chính bản thân tôi, chưa chắc tôi đã dám thú nhận. Cái bệnh nghiện nước chè của tôi phát sinh là do một hoàn cảnh như thế này. Bấy giờ là vào những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, thời kỳ mà tìm được một mẩu bánh mì khô là đã quí lắm rồi. Một hôm, khi tôi mới được độ chín tháng, khi biết ông bố tôi kiếm được ở đâu một ống bơ nước chè to đại. Ông thả vào đấy mấy cái vỏ bánh mỳ khô, ngoáy lên, rồi cho tôi uống. Thế là vi trùng nghiện vào máu tôi ngay từ khi mới lọt lòng. Thật không ngờ cái sự nghiện nước chè ấy đã khiến tôi nhiều phen khốn khổ, nhất là những lần tôi phải đi xa. Nhưng khổ nhục nhất phải nói là cái lần tôi có việc phải dừng chân ở một tỉnh nọ, mà tôi không muốn nói tên ra đây. Sáng hôm ấy, vì phải đi tiếp đến một nơi xa bằng ô tô buýt nên tôi dậy rất sớm. Ở khách sạn ai cũng biết tôi là người nghiện chè nên sáng nào họ cũng mang cho tôi một lúc mấy tách. Bởi thế nên trước khi ra khỏi buồng, tôi đã kịp tợp hết bốn tách. Trong câu chuyện của tôi có thể có đôi chỗ làm bạn khó chịu, vì nó không được văn minh cho lắm, nên tôi phải nói trước. Chắc các bạn đã biết, nước chè có công dụng rất tốt là vì, nói vô phép các bạn, nó rất lợi tiểu. Cứ cho vào bốn tách thì thế nào cũng phải cho ra một tách. Sợ nhỡ ô tô nên cứ để nguyên bốn tách ở trong bụng, tôi lao vội xuống dưới nhà. Nói của đáng tội, bốn tách đối với tôi thì vẫn chưa mùi mẽ gì, vì tôi đã quen rồi. Ông chủ khách sạn là một người vui tính và tốt bụng mà tôi mới quen biết. Khi tôi xuống đến dưới nhà, ông bảo tôi: - Từ giờ đến lúc xe chạy vẫn còn thời gian, mời ông xơi tách trà đã! Tôi uống với ông ta tách thứ năm. - Tôi biết ông thích uống nước chè lắm - ông ta nói - Vậy mời ông xơi thêm tách nữa! Nước chè của ông ta rất ngon, nên không nói chắc các bạn cũng biết là tôi không thể từ chối nổi. Thế là thành sáu tách tất cả. Sáu tách đôi với tôi thì cũng chưa lấy gì làm nhiều lắm, nhưng dùtea1.jpg sao cũng cần phải ra ngoài một chút. Tôi đã định xin phép, nhưng thấy chủ nhân cứ thao thao bất tuyệt nên không dám ngắt lời. Vừa lúc đó thì có một bà trạc trung tuần bước vào. - Thưa ngài, tôi là người hôm qua được hầu chuyện ngài bằng điện thoại đấy ạ! Bà ta tự giới thiệu. - Ồ, rất hân hạnh được gặp bà. Người đàn bà ấy hóa ra vừa là nhà thơ, nhà viết truyện ngắn, nhà viết tiểu thuyết kiêm nhà viết kịch. Bà ta đã đưa tặng tôi bốn tác phẩm của mình. - Xin lỗi, bà dùng trà hay cafe ạ? - tôi hỏi. - Xin ông nước trà ạ! Không hiểu sao, tôi cảm thấy nếu chỉ gọi nước trà cho mình bà ta thôi thì thật là bất lịch sự. Nên tôi lại phải uống với bà ta một tách nữa là thành bảy tách. Sau tách thứ bảy, tôi đã bắt đầu thấy hơi khó chịu, tuy chưa đến mức độ khó chịu lắm. Nhưng lẽ nào vừa mới làm quen với một người phụ nữ đã vội đứng dậy xin phép đi ra. Đã mấy lần tôi định nói: "Xin lỗi bà, tôi chạy về buồng một phút, tôi để quên một thứ ở đấy" hoặc "Xin phép, bà tôi chạy ra chỗ máy điện thoại một phút". Nhưng bà khách đang cơn cao hứng bàn luận về thơ ca nên tôi không sao nói xen được câu nào. - Cuộc sống ở đây mới buồn làm sao! - cuối cùng bà ta thở dài nói. - Vâng, nhất là lúc này tôi lại cảm thấy buồn… - tôi đáp. - Nhưng ngài còn có thể trút bỏ nỗi buồn của mình. - Đấy là bà tưởng vậy thôi, chứ giá mà tôi có thể trút bỏ nỗi buồn này… - Thế cái gì làm ngài khó chịu ạ? - Đó là cái ước muốn không thực hiện được… Tôi thấy khó diễn đạt quá… - Vâng, ngài nói đúng. Không phải bất cứ tình cảm nào ta cũng có thể diễn đạt được thành lời, vì ngôn ngữ của chúng ta nghèo nàn quá! - Dạ không. Kể ra thì diễn đạt thì cũng có thể diễn đạt được, nhưng tôi cảm thấy khó nói thế nào ấy… Bà khách hơi tỏ vẻ ngạc nhiên. - A! thế ra ngài… Nhưng bà ta chưa kịp nói hết câu thì vừa lúc có ba người đàn ông tiến lại phía chúng tôi. Một đã có tuổi, còn hai người trạc trung niên. Đó là ông bác sĩ của tỉnh và ông luật sư. Họ vừa mới biết tin là tôi đang ở đây. - Rất hân hạnh được làm quen với các ông. Các vị khách mới này cũng cần phải tiếp đãi. Nhưng ngoài trà và cafe ra thì không còn cái gì khác. Vì thế tôi sẽ lại phải cùng uống với họ. - Ồ, không đời nào, ông bác sĩ tuyên bố. Ngài là khách của chúng tôi thì chúng tôi phải đãi ngài chứ! Rồi ông ta quay sang bảo người hầu bàn: - Cho năm tách trà nhé! Tách thứ tám đã cạn mà tôi vẫn chưa tìm được cớ gì để ra ngoài một lát. Lúc này tôi đã thấy khó chịu thực sự rồi chứ không còn nói đùa nữa. Nhưng vừa làm quen với họ xong, chả lẽ… Hơn nữa, cả ba vị khách này đều là những người có tư tưởng tiến bộ cả. - Theo ý ngài thì có cách gì để giảm nhẹ gánh nặng của dân chúng không ạ? - Viên luật sư hỏi Trời ơi! Làm sao tôi có thể nghĩ đến chuyện giảm nhẹ gánh nặng cho người khác, trong khi chính tôi đang cần phải trút bỏ gánh nặng trong người! - Tôi thấy cần phải đi ra ngoài… - Ngài định nói gì ạ? - Ông bác sĩ không hiểu. - A! Chắc là ngài muốn nói phải đi ra khỏi biên giới nước ta. - Ông luật sư trả lời thay tôi. - Phải, chúng ta phải cho thanh niên đi du học nước ngoài thật nhiều mới được, vì có nhiều cái chúng ta cần phải học hỏi ở họ lắm! Nói vô phép các bạn, lúc này tôi đã… buồn… cứng cả người, không thể chịu được nữa. Thôi kệ! Chả lịch sự thì đừng! Tôi nghĩ thầm như vậy rồi bảo họ: - Xin lỗi các vị một chút… Nhưng tôi chưa kịp đứng lên thì một nhân vật mới đã xuất hiện. Đó là một thương gia trẻ mà tôi mới quen cách đây hai hôm. Ông này đối với tôi cũng có rất nhiều cảm tình thân thiện. - Ô tô sẽ khởi hành từ trạm giao thông. - Ông ta báo cho chúng tôi biết. Tôi vội vàng đứng dậy, định tìm cách chuồn khỏi họ một phút. Nhưng không kịp. Ông thương gia đã kẹp chặt một bên nách tôi, còn nách bên kia là ông luật sư. Tôi không nỡ xúc phạm đến cử chỉ thân thiết của họ, nên đành chịu cứng. Có hai người xốc nách hai bên, tôi bước ra khỏi khách sạn như một tên tội phạm. Tám chén nước trà cứ ùng ục trong bụng, may mà có hai người đỡ hai bên, chứ không thì có lẽ tôi không đi nổi. - Ngài khó chịu à? - Vâng, hơi khó chịu. - Ngài làm sao thế? - Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi thấy trong người hơi khó chịu, y như có cái gì nó… - … Đè nặng trong người phải không ạ? - Vâng, hình như thế. - Thì tình cảnh nước nhà thế này ai mà không thấy đau lòng?! Chúng tôi đi đến một quảng trường, rồi lại vượt qua hai dãy phố. Trời! Tôi chỉ mong sao đến trạm cho nhanh! Đến đó rồi, thì có ngượng đến mấy cũng mặc, tôi phải chạy đi tìm ngay cái chỗ cần thiết. Nhưng không ngờ, trạm to thế mà cái chỗ tôi cần tìm thì lại không có. - Ngài uống trà hay cafe ạ? -Không, cám ơn! Tôi không uống gì đâu! - Ấy chết! Sao lại thế ạ! Muốn gì thì ngài cũng phải uống với chúng tôi một chén đã! Người ta mang trà đến. Tôi uống vội vàng hết ngụm này đến ngụm khác để tranh thủ thời gian. Cứ mỗi ngụm tôi lại thấy bụng đau nhói. Uống hết tách trà thứ chín tôi bắt đầu thấy người vã mồ hôi. Nhưng có khi ra mồ hôi thế lại hóa hay, vì có thể tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Thấy mặt tôi lấm tấm mồ hôi, viên luật sư hỏi: - Ngài khó chịu à? - Vâng, tôi thấy khó chịu lắm! - Tôi có thuốc đây, uống vào sẽ hết ra mồ hôi ngay! - Ấy thôi, tôi không uống thuốc đâu! Nhưng người thư ký vẫn mang đến cho tôi mấy viên thuốc và một cốc nước. Mọi người đồng thanh bảo: - Ngài uống đi ạ! Giá như được lựa chọn, thì có lẽ tôi xin nuốt ngay tấm bọt biển hay một tờ giấy thấm còn hơn. Mội người gần như phải dùng áp lực ép tôi uống mấy viên thuốc và cốc nước. - Tôi không chịu nổi nữa đâu! - uống nốt cốc nước xong tôi bảo họ - Tôi phải đi ra ngoài đây!… - Ngài vẫn thấy khó chịu ạ? - Tôi khó chịu lắm! - Tôi lảo đảo đứng dậy, định đi ra, thì có một người bước vào nói: - Ô tô sắp chạy, xin mời các vị lên xe ngay cho. Tình trạng mỗi lúc một nguy ngập: gần hai chục vị trí thức của tỉnh mà tôi mới quen biết ra tiễn tôi. Người nào cũng tranh nhau nói, tranh nhau kể. Làm thế nào tôi thoát ra khỏi tay họ được! Chúng tôi đã đến trạm giao thông. Nhưng té ra người ta chưa bơm lốp xe. Viên thư ký trạm cũng là một anh chàng sính chuyện văn chương. Anh ta nói: - Tất nhiên là ngài không biết chúng tôi, nhưng chúng tôi thì biết ngài rất rõ. Trong khi chờ bơm xe, xin mời ngài uống với chúng tôi chén trà đã! - Cám ơn anh, tôi vừa uống xong. - Ấy chết! Xin ngài đừng từ chối. Chao ôi! Thử hỏi trên đời này còn có cực hình nào hơn thế nữa. Uống hết tách trà thứ mười, tình trạng tôi đã hoàn toàn nguy kịch: tim tôi đập mạnh, tai ù lên. Tôi không còn nghĩ gì đến chuyện xấu hổ nữa. Tôi phải hỏi thẳng họ xem nhà vệ sinh ở đâu để tôi chạy đi mới được. - Chỗ đi tiểu ở đâu nhỉ? - Tôi nhăn nhó hỏi. - Nhà vệ sinh ấy ạ? - Phải. - Ở sân nhà thờ lớn kia ạ! Cách đây khá xa. Đúng lúc đó người tài xế đã bơm xong lốp xe bước vào: - Xin mời các vị lên ô tô cho! Cái bộ dạng của tôi lúc này đã thảm hại lắm, ấy thế mà tôi vẫn phải cố gượng cười với những người đi tiễn thì không biết trông nó ra làm sao? Tôi phải cố nhếch mép làm một nụ cười méo xẹo, ô tô bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi vẫy tay chào nhau. Đi được một lúc thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Có lẽ những cái xóc ô tô đã làm cho cái bụng đầy nước của tôi nó xẹp đi chăng? Xe cứ tiếp tục chạy. - Bao giờ thì đến nơi nhỉ? - Khoảng hai tiếng rưỡi nữa. Kể ra, cứ ngồi nguyên một chỗ như thế thì cũng chưa sao, tôi thấy vẫn còn có thể chịu được. Đi chừng một tiếng rưỡi đồng hồ thì ô tô bắt đầu tiến vào một thị trấn và dừng lại trước một quán cafe. Tôi vội nhảy ngay xuống, hai tay ôm lấy bụng. Đưa mắt nhìn xung quanh, tôi hy vọng tìm được một nơi nào khuất vắng. Nhưng chết rồi, lại có bốn người nào vừa tiến lại phía tôi vừa mỉm cười! - Chào bác ạ! Xin giới thiệu, chúng tôi là những giáo viên ở đây. Chúng tôi được người ta gọi điện báo cho biết là bác sẽ đến đây. Tôi trả lời họ, mặt thì nhăn nhó: - Rất hân hạnh! - Ô tô còn đỗ ở đây chừng dăm mười phút. Vậy mời bác vào xơi nước đã. Nghe nói đến nước, tôi bủn rủn cả chân tay. Người ta kéo tôi vào tiệm cafe. - Tôi không uống trà đâu! - Nếu vậy mời bác xơi cafe nhé? - Không, cafe cũng chịu thôi! - Thế thì bác phải uống một chút gì, chứ không thì thật là tủi cho chúng tôi! Rồi họ vẫn cứ mang trà đến. Nhưng trà nào có ra trà! Uống xong tách thứ mười một, bụng tôi đau quặn. - Ở đây này đi tiểu ở chỗ nào nhỉ? - Tôi đành hỏi thẳng. Bỗng có tiếng người tài xế kêu to: - Yêu cầu hành khách lên xe thôi! - Nhà vệ sinh ấy ạ? Ở trường học đằng kia cơ ạ! - Một vị giáo viên nói rồi chỉ tay về phía tít ngọn đồi trước mặt. Nhưng tôi còn hơi sức đâu mà leo lên được đấy! - Yêu cầu hành khách lên xe! Người tài xế lại giục một lần nữa. - Không có ai quan tâm gì đến khó khăn của chúng tôi cả. - Một giáo viên nói. - Vâng - tôi đáp - chẳng ai muốn lâm vào tình cảnh của những người khác làm gì. Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình. - Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ nữa?! Chân tôi lúc này muốn khuỵ xuống. - Tôi chỉ mong sao chóng đến khách sạn thôi. Đến đó tôi sẽ dễ chịu ngay!… Mọi người không hiểu tôi muốn nói gì, nhưng cũng cười ầm lên, vì tưởng tôi khôi hài. Tôi lên ô tô ngồi. - Chúc bác lên đường bình an! Thế là lần này chúng tôi không kịp chuyện trò gì với nhau. Thôi được, để đến lúc về vậy. Nhờ những cái xóc của ô tô nên tôi lại thấy dễ chịu hơn. Hay là nói với tài xế cho xe dừng lại? Không biết có nên không nhỉ. Trong xe có đến năm, sáu chục hành khách, cả đàn bà trẻ con. Mọi người sẽ tập chung nhìn tôi mà cười mất! Lúc ấy thì biết chui vào đâu! Thôi, tốt nhất là cứ quên đi, đừng nghĩ đến nữa thì sẽ thấy dễ chịu thôi. Tôi nghĩ thầm như vậy. Đúng lúc đó, có một chú bé bỗng kêu lên: - Mẹ ơi! Con muốn đi tè! - Cố nhịn đi một tí con! Một hành khách kêu to bảo tài xế: - Bác tài ơi, cho xe dừng lại chút nhé. Có người muốn đi tiểu! - Phải tính trước từ ở nhà chứ! - Người tài xế càu nhàu - Cứ mỗi người dừng lại một tí thì kiếp nào đến nơi được. Tôi đang mừng thầm, nghe nói thế lại cụt hứng. Lại phải cố bóp bụng mà chịu vậy. Ba tiếng rưỡi sau, chúng tôi mới đến nơi. Mọi người xuống xe. Khách sạn đã ở ngay trước mặt. Tôi chạy vội về phía đó. Nhưng có ba thanh niên bỗng chặn tôi lại. Cùng đi với họ có hai đại biểu của phái đối lập. - Chúng tôi đang họp hội nghị. Té ra cả hai vị đại biểu này đều quá tha thiết muốn gặp tôi, nên đáng lẽ phải đi sớm, nhưng họ đã nán lại đến tận chiều để chờ gặp tôi. Biết làm thế nào bây giờ? - Xin lỗi các vị một phút đã… - Xin ngài để sau hẵng hay, chúng tôi đang đợi ngài. Chúng tôi bước vào một văn phòng đầy người ngồi. Hội nghị chưa khai mạc. - Mang trà lại đây nhé! Tôi uống tách thứ mười hai. Có người hỏi: - Không biết đến bao giờ mới chấm dứt thủ tục này? - Xin lỗi, ở đây có nhà vệ sinh không ạ? - Sao ngài lại hỏi thế ạ? - À, tôi chỉ hỏi thế thôi!… - Mang thêm trà nhé! - Thôi cám ơn, tôi đủ rồi. - Đủ là thế nào ạ! Chúng tôi được biết là ngài thích uống trà lắm mà! Tôi lại uống tiếp tách trà thứ mười ba. - Ngài bảo đến bao giờ liệu mới chấm dứt cái trò này? - Riêng về phần tôi thì tôi thấy thật là nhục nhã! - Trà gì mà loãng thế? Bảo pha đặc vào nhé! Này anh bạn! Cho thêm nước trà nhé! Mà thật đặc vào. Tôi lại cạn chén thứ mười bốn. - Thật không chịu đựng nổi nữa! - Vâng, đúng là như vậy! thì ngài bảo nỗ lực đến hết sức mình mà vẫn không đạt được nguyện vọng, thì ai còn đủ kiên nhẫn mà chịu đựng nữa?! - Xin lỗi các vị, tôi đến khách sạn một chút rồi quay lại ngay! Tôi muốn chạy, nhưng không chạy nổi nữa, mà phải khom người đi ra ngoài. - Rất hân hạnh được gặp ngài. Tôi là chánh văn phòng thị chính. Ngài tỉnh trưỏng của chúng tôi hỏi thăm ngài từ sáng. Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi về phía khách sạn. - Xin mời ngài vào ạ! Đây là toà thị chính. - Xơi mời ngài xơi nước! - Cám ơn ông, tôi không uống được nước chè. - Ồ thưa ngài, một chén thì có hề gì đâu ạ! - Thôi đủ rồi ạ, cám ơn ông. Có tiếng chuông điện thoại, viên giám đốc cầm ống nghe: - Bẩm ngài, vâng. Đang ở đây ạ! Vừa mới đến xong ạ. Đoạn ông quay sang bảo tôi: - Ngài tỉnh trưởng đang chờ ngài. - Thôi để xin phép ông lúc khác… - Ồ, không được. Ngài là khách của chúng tôi. Chúng tôi không để ngài đi đâu cả! Chúng tôi bước vào buồng làm việc của ông tỉnh trưởng. - Xin mời ngài xơi nước. - Thú thật với ngài là tôi không uống được nước trà. Uống vào tôi sẽ bị sặc ngay. - Dù sao cũng mời ngài xơi một chén. Chả lẽ khách đến chơi mà đến ngụm nước cũng không có. - Cám ơn ngài, nhưng tôi không thể uống được! - Ấy, không được. Có vội gì thì ngài cũng phải xơi một chén! Uống hết chén thứ mười sáu, tôi bỗng cười phá lên như điên. Viên tỉnh trưởng và chánh văn phòng toà thị chính vẫn đang bàn luận về tình hình đất nước. - Thưa ngài, quả thực với cung cách làm ăn hiện nay thì đáng cười thật! - Tôi cảm thấy bị tức lắm. - Vâng, quả là cái lề lối mòn cũ nó làm ngài khó chịu, nhưng bây giờ chắc ngài đã thấy dễ chịu hơn… trước nữa… - Ôi lạy chúa. Tôi không biết! Tôi thấy mỗi lúc một tức…! Về đến khách sạn, tôi lăng ngay chiếc cặp vào góc phòng và hỏi người gác cửa: - Chỗ đi tiểu ở đâu? - Thưa ngài, đã có lệnh của cảnh sát, ai không có đủ giấy tờ thì không được thuê buồng ạ! Tôi đặt trước mặt anh ta tờ giấy khai sinh và bảo: - Đây, anh giữ lấy làm kỷ niệm! anh nói ngay cho tôi, nhà đi tiểu ở chỗ nào? - Thưa ngài, ngài từ đâu đến ạ? - Tôi van anh! - Ngài sẽ ở lại mấy ngày và sau đó đi đâu ạ? Phải cố sức lắm tôi mới bật được cánh cửa và leo lên cầu thang. Ở phía cuối hành lang, tôi nhìn thấy một cánh của có ghi số: 00. Tôi đập cửa, nhưng hoá ra cửa bị khoá từ trong. Tôi mở cánh cửa bên cạnh. Đó là phòng ngủ. Nhưng thôi cũng đành! vì tôi không thể nhịn thêm một phút nào nữa. Ôi! Thật là nhẹ nhõm! Người nào chưa từng phải chịu đựng như tôi, thì không thể hiểu thế nào là hạnh phúc! Tôi thanh thản bước xuống cầu thang. Tầng dưới là tiệm cafe. Tôi khoan khoái thả mình xuống một chiếc ghế và dõng dạc gọi người hầu bàn: - Ồ, này! Cho một tách trà nhé! Thật đặc vào! [/spoil]
Cái lài mà là truyện ngắn à? Đọc xong bài đầu đã hộc xì dầu không muốn đọc tiếp. Đã ngốn xong cuốn thứ ba (hùi trước cũng từng lâm vào hoàn cảnh tương tự nên hơi thấm), nói chung là hay đấy, nhưng thể loại này dùng dễ suy ngẫm thì đúng hơn là hài hước.
Azit Nexin đỉnh nhất phải là truyện j mà tại sao mèo lại chạy cụp đuôi ý. Bạn nào đi làm rồi mới thấm cái thâm thúy trong đấy )))))
Vâng Azit NêXin thì vô đối thể loại đá đểu rồi , share cho a e mấy truyện down dc . Hồi xưa có quyển "Con cái chúng ta giỏi thật", đọc cười đừng hỏi , h kiếm ko ra View attachment 633__TRUYỆN NGẮN AZIT NEXIN.rar
Đấy là truyện vì sao mèo cup đuôi chạy [spoil]Bất kỳ việc gì cũng có cái "tại sao" của nó. Không, câu mở đầu như thế chưa được! Phải bắt đầu bằng một câu gì nghe triết lý hơn kia! Hay thế này vậy: "Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh." Thực ra thì câu này nghe cũng chưa ổn. Có lẽ những lời nói vĩ đại chỉ có ở miệng các bậc vĩ nhân mà thôi! Chính vì thế mà lúc nào tôi cũng thấy thương cho cái thân phận mình. Truyện nào tôi cũng bắt đầu bằng một câu đáng được lưu truyền thiên cổ. Thế mà tuyệt đối không một ai thèm coi cả tôi lẫn những lời nói của tôi ra cái gì cả! Mà bạn tưởng các bậc vĩ nhân phát ra được những câu gì đặc biệt lắm sao? Có một bậc vĩ nhân bảo: "Mùa hè nóng." Thế là mọi người rối rít ca tụng: "Trời ơi! Chí lý biết chừng nào, sâu sắc biết chừng nào! Cái chân lý vĩ đại mà nhân loại phải tìm kiếm hàng trăm năm nay, đã được Ngài nói ra trong ba chữ!". Một vĩ nhân khác trước lúc tắt thở thốt lên: "Mở cửa ra!". Người ta lại đưa nhau bình phẩm: "Chà! Cả một ý tưởng vĩ đại chứa đựng trong câu nói thiên tài! Chỉ bằng mấy chữ, nhà tiên tri đã vạch đường cho hậu thế!" "Mở cửa ra!" Câu đó nghĩa là gì? Muốn hiểu hết ý nghĩa thâm thúy của mấy chữ này cứ gọi là phải viết hàng núi sách! Vì thâm ý vĩ nhân muốn nói rằng... Mà đã là bậc vĩ nhân thì Người muốn nói gì? "Này hỡi nhân loại! Đừng có ru rú trong cái xó chuồng tăm tối như bầy lừa ấy nữa! Hãy mở cửa ra cho ánh sáng kiến thức rọi chiếu vào!" Hoặc giả Người ta muốn nói: "Hãy mở cửa ra mà nhìn thế giới! Cho ánh sáng kiến thức soi rọi vào cái đầu óc ngu dốt của các người!" Thế nhưng cũng như tất cả mọi người bình thường khác, trong lúc hấp hối thấy khó thở, nên bậc vĩ nhân yêu cầu "mở cửa ra" cho dễ thở hơn chút. Có thế thôi! Sau này chết đi, sang bên kia thế giới, việc trước tiên là tôi phải tìm ngay Gớt và hỏi ông: - Người ta bảo trước lúc vĩnh biệt cõi trần, ngài có nói: "Vén rèm lên cho sáng thêm một chút!" Vậy ngài nói câu ấy là có ý sâu xa gì không? Tôi chắc thế nào Gớt cũng mỉm cười mà bảo: - Thật tôi có nói "Cho sáng thêm một chút" à? Chắc vì lúc đó tôi thấy mắt tự nhiên tối sầm lại, nên bảo vén rèm lên để nhìn rõ mọi người xung quanh. Thế thôi! ...Tôi đang đi trên đường. Bỗng từ ngôi nhà nọ, một chú mèo phóng như bay, rồi thoáng sau thì mất hút. Chính vì chú mèo này mà tôi cứ phải suy nghĩ mãi. Vì sao nó lại gào lên một cách thảm thiết như vậy? Bất kỳ chuyện gì, như tôi đã nói, cũng có cái tại sao của nó. Vậy thì tại sao chú mèo cúp đuôi chạy? Đó chính là câu chuyện tôi sắp kể cho các bạn nghe bây giờ đây. Tôi sẽ thuật lại đầy đủ, theo đúng trình tự. Có điều tôi không biết nên chọn phương pháp nào cho thích hợp? Phương pháp dân chủ, từ dưới lên trên, hay phương pháp truyền thống phương Đông, từ trên xuống dưới? Nghĩa là bắt đầu từ chú mèo đến ngài Tổng trưởng, hay từ ngài Tổng trưởng xuống đến chú mèo? Không! Dẫu sao thì cũng không nên bỏ các truyền thống của ta! Vậy thì đầu đuôi câu chuyện của chúng ta nó như thế này: Một hôm, tất cả các báo, cứ y như là bảo nhau, nhất loạt lên tiếng công kích một vị Tổng trưởng nọ. Điều đó, làm vị Tổng trưởng hết sức đau buồn, đến nỗi Ngài không biết làm gì nữa. Mà hễ khi nào thấy buồn bực trong lòng và không biết làm gì nữa, là y như rằng ngài cho gọi ông phụ tá đến... Ngại đặt cho ông ta một câu hỏi. Ông phụ tá trả lời. Ngài lại đặt câu hỏi khác. Ông phụ tá lại trả lời rất rành rọt. Thành ra Ngài không có cớ gì để trút nỗi bực lên đầu ông ta được. Nhưng chết cái là, dù thế nào thì thế, sau lúc bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh! Ngài Tổng trưởng lại đọc tiếp câu hỏi thứ ba. Ông phụ tá tường trình lại cặn kẽ cách thức ông giải quyết công việc đó ra làm sao. Thế là cơn dông tố nổ ra! Không phải làm như thế! Làm như thế là không được! Hoàn toàn không thể được!... Có thể được chứ ạ! Không thể được!... Được chứ ạ! Khô... ô...ng đ.ư.ợ.c! Ngài Tổng trưởng hả lắm: thế là cuối cùng ngài đã nguôi được cơn giận. Ngài đã xạc cho ông phụ tá một trận nên thân. Bây giờ ngài mới cảm thấy bình tĩnh lại. "Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh." Nhưng ông phụ tá làm thế nào để bình tĩnh lại được? Xin từ chức à? Không được! Vì cớ gì? Ông bèn hỏi ông chánh văn phòng một câu. Ông chánh văn phòng trả lời. Ông hỏi tiếp câu nữa. Ông chánh văn phòng vẫn trả lời được. Nhưng được thì được, chứ trong lúc trả lời, ông chánh văn phòng vẫn không tránh khỏi sơ xuất. Xong rồi! Ông phụ tá cho gọi viên thư ký đến. - Viết đi! Ông ra lệnh cho người thư ký. Ông phụ tá đọc cho người thư ký chép một lúc lâu và thấy cơn giận nguôi dần. Lạy trời! Giá ông không trút bỏ được nỗi bực thì ruột gan ông đến vỡ tung ra mất! Rồi cả gia đình ông cũng vì thế mà mất hết bình tĩnh, sẽ quay ra cáu gắt nhau mất! May lắm! Nhưng còn ông chánh văn phòng thì biết làm sao đây? Làm sao đây? Làm sao ông có thể ngậm viên bồ hòn ông phụ tá vừa tặng ông mà lấy làm ngọt được! Ông bèn ấn nút chuông: - Gọi cho tôi ông thanh tra Ali vào đây! - Thưa ông, ông Ali đi thanh tra đã 10 hôm nay rồi ạ! - Thì gọi ông Vêli! - Thưa ông, vâng. Ông thanh tra Vêli vào: - Bẩm ông cho gọi tôi? - Ông đã làm xong cái việc tôi giao chưa? - Bẩm ông đã ạ! - Còn việc kia? - Bẩm việc kia cũng xong rồi ạ! - Ông nói rõ xem xong là xong thế nào? Ông Vêli trình bày lại cặn kẽ đầu đuôi. - Nhưng có phải làm như thế đâu? Hoàn toàn không phải! Ai bảo ông làm như thế? Làm thế là láo toét! Láo toét hết! Ông hiểu chứ? Ôi! Lạy Đức Ala! Ông chánh văn phòng gắt ngậu cả lên. Vì nếu không gắt thế, ông đến tắc thở mất! Đến lượt ông thanh tra thấy tức quá! Nhưng biết làm thế nào? Chả lẽ chịu câm à? Không! Thế này thì tức lắm, không chịu được! - Ông trưởng phòng! - Dạ, ông bảo gì ạ? - Sáng nay tôi dặn ông cái gì? - Sáng nay ạ? Bẩm ông không có dặn gì cả! - Vô lý, không có lẽ! - Sáng nay nào tôi có gặp ông đâu ạ! - Nếu vậy thì sáng hôm qua? - Hôm qua ông bị mệt không đến sở ạ. - Thế thì sáng hôm kia! - Sáng hôm kia ông có dặn là... - Nghĩa là tôi có dặn chứ gì? Nhưng tôi dặn cái gì mới được chứ? Tại sao ông không làm tròn trách nhiệm? Thái độ của ông như vậy là không thể dung thứ được, ông hiểu chưa? Không thể được! Tôi cấm đấy!... Cương quyết cấm! Mặt ông trưởng phòng dài thưỡn ra. Nhưng dù thế nào thì thế, sau lúc bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh. - Gọi ông phó phòng vào đây! Ông phó phòng vào. Ông trưởng phòng hỏi: - Biểu đồ ông làm xong chưa? - Thưa ông đã! - Xong toàn bộ chứ? - Xong toàn bộ ạ! - Thế các tờ phiếu đã ghim lại với nhau chưa? - Ghim rồi ạ! Làm gì mà cứ phải đúng răm rắp thế nhỉ? - Thế gửi đi chưa? - Thưa đã ạ! Cứ làm như không thể chậm lại được ấy! - Gửi bao giờ? - Hôm qua ạ! - Sao? Hôm qua à? Sao lại chểnh mảng đến thế được nhỉ? Cái kiểu đâu lại đổ đốn như vậy? Phải làm việc chứ! Làm việc! Làm việc hàng ngày! Tôi yêu cầu ông! Ông rõ chưa? Chao ôi! Khi trút được cơn bực, người ta cảm thấy nhẹ nhõm làm sao! Ông phó phòng bước vào phòng ông trưởng bộ phận. Ông thở một cách nặng nhọc. - Cái gì thế này? - Chứng từ để chuyển sang phòng kế toán đấy ạ! - Ra thế đấy!... Thế là rõ rồi. Đến giờ mà vẫn còn ngổn ngang bừa bãi thế này... Lại còn cả đống này nữa này... Ông phó phòng vừa bước ra, ông trưởng bộ phận tức giận đấm bốp một cái xuống bàn: - Haxan đâu? - Haxan nào ạ? Haxan bộ phận 2 hay Haxan kế toán ạ? Lại còn Haxan làm ở phòng đăng lục nữa ạ! Hay ông muốn gọi ông Haxan lục sự? - Lôi cổ đến đây bất cứ thằng Haxan nào cũng được! Nghĩa là cứ gọi cho tôi tay Haxan lục sự ấy! - Thưa ông đã có chuông nghỉ, ông ấy đi ăn cơm rồi ạ! - Nếu vậy... anh tên là gì? - Huyxên. - Huyxên hay Muyxên cũng vậy thôi! Tôi bảo cho các anh biết, tất cả lũ các anh... Ông trưởng ban nổi trận lôi đình khoảng 10'. Cuối cùng ông thấy nguôi giận, rời khỏi sở. Còn Huyxên thì quay sang hạch sách ông văn thư. Cửa kính sao lại bẩn thế này? Trần nhà gì mà đẩy mạng nhện thế kia? Bàn nào cũng đầy bụi. Sàn nhà thì chẳng chịu lau chùi gì cả... Không thể chịu được! Không chịu được! Hiểu chưa? Hả!... Ra khỏi sở, Huyxên cũng thấy nhẹ nhõm hẳn, cái nhẹ nhõm hẳn, cái nhẹ nhõm của người trút bỏ được cái áo bông nặng trĩu khi vụ rét vừa hết. Ông văn thư định trút giận lên đầu người gác cửa, nhưng ông này lại về nhà mất rồi. Làm sao bây giờ? Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh. Ông văn thư bước lên xe điện. - Cái nhà anh này! Dẫm cả vào chân người ta! - ông bắt đầu sinh sự với ông khách đứng bên cạnh - Chân cẳng cứ xéo bừa đi, chẳng nhìn gì hết! Ông khách im không nói. Người soát vé tiến đến. - Ông lấy vé đi! - Anh không thấy tôi đang bị ép thế này à? Cả hai tay đều không nhúc nhích nổi thì làm sao mà rút được ví? Lúc nào xuống tôi sẽ mua! - Không được! - Sao lại không được? - Đã bảo không được là không được! Ngộ nhỡ nhân viên kiểm tra đến thì làm sao? Thế là thành to tiếng. Rốt cuộc, ông văn thư cũng tìm được người để trút giận. Hết chuyến cuối cùng, người soát vé trở về nhà. Chị vợ toét miệng cười khi thấy anh về. - Làm cái gì mà nghe răng như cái con khỉ thế? - anh soát vé bỗng thấy điên tiết - Cái thằng bố mày đây đứa nào cũng bắt nạt được, mà mày còn... Chửi mắng vợ một trận nên thân xong, anh ngồi vào bàn điềm nhiên xới cơm ăn. Chị vợ thì bắt đầu thút tha thút thít. Trong lúc đó, chú mèo cứ quẩn dưới chân. Cáu tiết, chị đá cho nó hai cái vào lưng. Thế là chú mèo ngheo lên một tiếng thảm thiết rồi nhảy bổ ra đường. Chị vợ anh soát vé nép sát vào người chồng. Tình yêu đằm thắm nhất thường đến sau nước mắt. Cả đôi đều đã bình tâm lại. "Bất kỳ việc gì cũng có tại sao của nó". Ví thử các báo đừng công kích ngài Tổng trưởng, thì việc gì chú mèo tội nghiệp nhảy bổ ra đường! Con người dù sao cũng khôn ngoan, biết cách trở về trạng thái bình tĩnh. Nhưng còn chú mèo? Chú nhảy bổ đi mất như hoá dại. Liệu rồi chú có lấy lại được bình tĩnh hay không? Điều ấy đến bây giờ tôi vẫn chưa dám chắc. [/spoil] Anh mua được 1 tập to đùng xong có đủ gần hết các truyện