Hơ, lâu lắm mới vào đây thì thấy cái topic cũ của mình bị cho bay đâu rồi. Thôi thì căn bản cũng lâu lâu mới có hứng viết hẳn hoi tử tế một lần cho nên là có ai trước có từng đọc thì xin thông cảm. Dạo này đang chơi bời nhàn rỗi tự dưng có hứng viết lại. Lần đầu muốn hoàn thành một cái truyện ngắn chỉnh chu một chút, mong các bạn cứ góp ý. Đây mới là phần I, phần cuối đang viết dở, nếu thấy chê bai nhiều quá thì sẽ không viết nữa :( Lưu ý: Mọi chi tiết trong truyện đều là sự thật, nếu có chửi trúng thằng nào thì hoàn toàn là cố ý. Lưu ý 2: Truyện có tính lồi lõm cao, đề nghị vứt bỏ sĩ diện trước khi đọc. *** Tôi kịch liệt phản đối “thương cho roi cho vọt”. Thời buổi nào mà còn roi với vọt? Giờ người ta đề cao nhân quyền thân quyền, đến chỗ kín có khi còn đóng bảo hiểm tưởng cứ thích đụng là đụng đấy phỏng. Thời đại tri thức, con người tri thức, dạy nhau cũng phải tri thức, chả thế mà giờ cứ có chuyện mà thầy cầm vở đập muỗi chẳng may ném trúng mặt trò là kiểu gì báo đài cũng thi nhau lên án “phương pháp bạo lực”, “hành vi kích động”, hay bố ở nhà mà lỡ tay không cho con xem ti vi để nó khóc um xóm là kiểu gì cũng lên phường vì hai tội “ô nhiễm tiếng ồn khu tập thể” đi kèm với “bạo hành gia đình”. Đấy, đâm ra là giờ chữ “dạy” nó đi cùng với chữ “nhịn” và thậm chí thi thoảng còn gắn thêm cả chữ “nhục”. Cứ chiều chiều tầm 5h là các bà các mẹ thi nhau: “A nào, a nào, aaaaaaa, xồi ôi, một miếng rồi, giỏi xế, xêm miếng nữa nào, ngoan nào, ngoan ngoan nào” Và cái bài hát mang tên “Ăn hết bát cơm đi con” thì cứ có mỗi cái điệp khúc ấy hát, và thi thoảng là gào pha trộn với mắng và dỗ, lặp đi lặp lại cứ phải tầm hàng tá lần. Ấy mới gọi là giáo dục vậy. Trẻ con được dạy dỗ như thế rất tốt, ra ngoài chả sợ ai, vào rạp phim la hét thoải mái, cơm thích là có ăn, ti vi thích là có xem, đồ chơi thích là có mua, ghét nhất là ti có là bú, thật là sướng không để đâu cho hết. ---- Tôi. Thanh niên bán Hà Nội, hay còn gọi là Hà Nội 2.0, mĩ miều hơn tí thì là thanh niên Thủ đô thế hệ mới.Tuổi đầu hai đít thì mông lung. Mới trốn nhà vào Nam kiếm tí cơm nhưng thấy chẳng có gì mới mẻ hay ho lại vác xác ra ngoài Hà Nội. Ra thì lại đâm chán, chán thì lại đâm nhàn, mà đã nhàn thì không chóng thì chày cũng bất thiện, và như thế thì rất là bất tiện. Vậy nên lại ngồi làm anh thợ chữ nay viết tí, mai viết tí, thêm chút vốn liếng tiếng Anh thì kia dịch tí, kìa dạy tí, nói chung là cứ nhàng nhàng vậy. Mỗi tội là thường xuyên ở nhà. Mà nhà tôi thì bà cụ nghỉ hưu về trông trẻ con. Được cái mát tay, dạy được từ thằng thiểu năng cho đến thằng như tôi, đâm ra cũng nổi tiếng cái khu đấy. Rồi ai cũng biết mà gửi con vào, và đủ các thể loại con. Mát gì thì mát, có mấy ông “con giời” mấy hôm đầu quen thói ở nhà bù lu bù loa giãy đành đạch đòi về, hét váng tai nhức óc. Bình thường thì không sao vì tôi đi làm suốt, nhưng đúng dạo đang ăn không ngồi rồi thì lại một tá đứa mới nó gửi vào, khéo gì mà khéo thế. Thế là buổi sáng của tôi thường phải bắt đầu từ lúc 6h sáng với những tiếng khóc có mức độ khó chịu không từ gì có thể diễn tả nổi, kể cả với kẻ chữ nghĩa có thừa một mớ chả để làm gì như tôi. Ức cái là ở đây không thể áp dụng cái chiến thuật “còn nước còn tát” được. Động vào mấy cô chiêu cậu ấm này là có lệnh lên phường ngay chứ chả đùa. Mấy ông “tướng” con lại còn là con, là cháu của mấy ông tướng lớn, chẳng may có làm sao thì vạ lây cả nhà. Ức cái nữa là đã không làm gì được nó thì chớ, thi thoảng mình lại thành bảo mẫu bất đắc dĩ ca cái bà ca: “Nộ ôi, xương nào, xương nào, a nào, a nào” thổ tả đả địa để cho chúng nó mở mồm ra xơi cái bát cháo 30 ngàn trong cái thời kỳ bão giá. Mà khổ nỗi nhà các vị giàu các vị có thèm để ý cái quái gì đâu, cứ mua cho thừa mứa rồi vứt cho con ăn rồi chỉ khổ cái thằng đang nghèo như mình phải đi đổ đồ thừa mứa vào sọt rác. Xót không để đâu cho hết. Mà cứ ở vậy là không được. Nhất quyết không được, muôn lần không được, thành ra tôi mới quyết định đập con lợn đất (ý là lấy tiền tiết kiệm) đi du lịch giải xì-trét một thời gian thì mới mong làm ăn ra hồn được. Và nơi đầu tiên hiện ra trong đầu là: Quê. Cuộc hành trình ba tiếng đồng hồ không khỏi khiến tôi có chút mệt mỏi, nhưng cảnh vật yên bình ở quê thì thật dễ chịu. Giờ đang là mùa gặt, rơm rạ đầy đường. Tôi về tầm gần ban trưa, đây đó vẫn có các bác nông dân gặt lúa trên đồng, thi thoảng lác đác dưới những rặng cây là một vài người khác ngồi nghỉ. Con đường nhỏ không có xe cộ đi lại, vì muốn đi cũng chẳng được. Đường quê hay lắm, đường bê tong thì chỉ có một, còn toàn đường đất. Và đường đất ở quê là ví dụ điển hình cho cái câu: “Người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Tôi ít về quê, phần vì bận, phần vì ở quê buồn, quanh quanh quẩn quẩn trong nhà ngoài ngõ, xa hơn tí thì đi bộ lên chợ Phố gần hai cây, cái chợ duy nhất của cả một vùng rộng mênh mông. Nhưng giờ thì tôi lại cần cái yên ổn, tĩnh lặng của quê. - Cháu chào ông – Vừa đến cổng tôi đã phải nói to gần như hét vào nhà, vì ông tôi giờ lãng tai lắm rồi - Trường đấy à cháu, đi vào nhà đi, cháu đi từ Hà Nội về à – Ông tôi đáp trả lại trong nhà cũng to không kém. - Vâng - Vào đi rồi ăn cơm, ở nhà ông vừa ăn cơm với cô xong Ông nói xong thì cũng là lúc cô tôi bước ra. Cô tên Yên, ngoài 50 nhưng cô trông già hơn so với tuổi, khuôn mặt gầy gò khắc khổ, dáng người nhỏ thó. Cô tôi trước làm trong nhà máy công nghiệp gì đó ở Hải Phòng, giờ nghỉ hưu cô về trông nom ông nội tôi. - Xuống đây, đi đường nóng không cháu, xuống bếp để cô sắp cơm ăn. Luôn là như thế nếu như tôi về quê mùa hè và có (các) cô ở nhà. Bà tôi mất lâu rồi, nếu không thì bà tôi cũng sẽ chạy ra tận nơi hỏi thăm thằng cháu từ Hà Nội về rồi dẫn vào nhà lấy khăn mặt, chậu nước, rồi ngồi hỏi han. Đột nhiên tôi nhớ bà, nhưng giờ ít khi tôi cảm thấy cay cay nơi sống mũi nữa mà chỉ còn thoáng một chút buồn trong lòng. Tôi cởi chiếc ba lô to đùng đựng hành lý đặt xuống cạnh chiếc giường đôi đặt ở góc nhà, vốn là nhà ngang nhưng giờ đã thành một ngồi nhà hai tầng rộng rãi để ông tôi tiện sinh hoạt. - Cháu ăn gì để cô sắp – Tiếng cô tôi gọi từ bếp lên - Dạ, gì cũng được cô ạ, cô để đấy cháu tự sắp được rồi. - Thôi, cứ ngồi nghỉ đi, để cô sắp cho, thằng Bi thằng Tít ăn xong vừa chạy sang nhà bác Hồng tí về đấy. - Dạ, cái gì cơ ạ? – Tôi giật mình - Cô bảo là thằng Bi thằng Tít vừa ăn xong chạy sang nhà bác Hồng tí về đấy - Dạ… - Tôi rùng mình Phải nói một cách nghiêm túc là mặc dù tôi là người rất có văn hóa nhưng tí nữa cũng phải phun ra một câu chửi thề thậm tệ. Tất nhiên ở đây sẽ có câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao?”. Thực ra tôi khá là thích trẻ con, nhưng tùy trẻ con. Trẻ con được dạy dỗ tử tế như tôi lúc còn bé chẳng hạn thì tôi rất thích, nhưng trẻ con như hai ông “con giời” Tít – em họ 10 tuổi và Bi – cháu họ 10 tuổi của tôi thì tôi thậm ghét. Mà tôi quên mất là hè nào bố mẹ chúng nó cũng gửi về quê, thật tình… Không phải tôi ghét chúng nó theo kiểu thù giặc mà là khó chịu trước cái thái độ của hai đứa trẻ con này. Những lần tôi thấy chúng nó không chào người lớn, nói trống không, ăn không mời, đòi này đòi nọ thì đếm không xuể, còn cá biệt thì… Tự dưng tôi thấy nóng nóng, không thấy gió quạt nữa. Ngẩng đầu lên thì thấy một đống thịt ngồn ngộn đang ngồi trước mặt. Lại một tí nữa là chửi thề. Tôi hít một hơi sâu, rồi, hai ông con giời, béo thì ôi thôi là béo. Thi thoảng có dịp họp mặt họ hàng là tôi lại được nghe hai đứa này chúng nó đọ cân. Lần gần đây nhất hình như là đợt Tết, và như tình hình cập nhật thì chúng nó khoảng 45 cân. 45 cân, 10 tuổi. Và cả hai cái đống gần một tạ đấy đang ngồi chồm hổm trước mặt tôi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tranh nhau tí gió từ cái quạt cọc cạch của ông tôi. - Nào, hai đứa tránh ra cho anh mát nào, mà không chào anh, chào chú đi à – Cô tôi vừa từ bếp bước lên - Nhưng mà nóng – Cái giọng oang oang của thằng Tít vang lên - Anh vừa đi từ Hà Nội về đang nóng, tránh ra tí nữa cô cầm quạt nữa xuống cho - Không – Giờ thì là thằng Bi - Thôi cô ạ, để cháu ra bể rửa tay chân – Tôi hít một hơi thật sâu, cảm giác có vẻ răng hàm hơi nghiến vào nhau một chút, lấy lại bình tĩnh trước khi máu kịp ồ ạt xông lên đầu. - Ừ, cháu ra rửa tay chân đi rồi vào ăn cơm, cô sắp xong rồi đấy - Vâng Đấy, hai đứa, một đứa em họ, một đứa chau họ quý hóa của tôi đấy. Nhưng thôi, trẻ con, chấp làm gì, mình về đây là nghỉ ngơi cơ mà. Nghĩ vậy, tôi lục tục mở khóa cái ba lô, lấy chiếc khăn mặt rồi cởi bớt quần dài, bỏ luôn cái áo sơ mi đẫm mồ hôi ra tay rồi đi ra bể nước. Quê tôi nhà cửa san sát, thường là ba bốn nhà thông nhau thành một cụm, dùng chung một bể nước mưa. Nước mưa ở quê thì tích quanh năm, mát lắm. Tôi lấy chiếc khăn mặt bỏ vào cái chậu nhôm, rồi múc nước từ bể ra để rửa mặt. Nước mát khiến tôi tỉnh táo hơn. Trưa ở quê yên tĩnh, gió xào xạc, tiếng ve kêu râm ran, mới nghe thì thích, nghe nhiều thì nhức đầu. - Trường đấy hả cháu – Một giọng nói đàn ông trầm đặc, khan, nhưng to và rõ vang lên. - Dạ - Tôi vừa trả lời vừa quay lại, thì ra là bác Hồng, hàng xóm của ông tôi. - Về khi nào đấy cháu? - Cháu vừa về bác ạ, bác đi làm về à - Ừ, bác vừa đi gặt về - Bác vừa đáp vừa cầm chiếc liềm, đôi găng tay, đôi ủng Bác Hồng, anh họ của bố tôi, tuổi ngoài 40 nhưng già hơn tuổi nhiều, vì nắng, vì mưa, vì cái cuộc sống ở vùng quê còn nghèo này vất vả trăm đường. Khuôn mặt gầy gò, làn da nhăn nhúm, đen đúa, một bên mắt còn bị sụp xuống, mái tóc đã bạc gần hết. Tôi không thường về quê, nhưng vẫn nhận ra rằng bác đã già đi nhiều so với lần cuối tôi thấy bác. - - Bác Hồng bỏ đống đồ vào trong nhà rồi cũng đi ra bể nước mưa với tôi. Bác cởi trần, và người bác thì cũng gày gò chẳng kém gì khuôn mặt, làn da cũng vậy, còn được điểm xuyết với một vài vết sẹo trên tay, trên vai, to có, nhỏ có, mới có, cũ có. Tiện tay, tôi múc gáo nước vào chiếc chậu nhôm của bác - - - Thế bác Tư (tên vợ bác Hồng) với anh Hinh chưa về hả bác - - - Ừ, mẹ con nhà nó còn đang bảo với ông Dũng cho xát nhờ gạo ngày mai, về giờ đây này. Mày ở đây ăn trưa với bác nhé, có bát canh don ngon lắm. - - - Thôi bác ạ, để mai kia cháu sang, cháu về qua nhà nói chuyện với ông cháu tí đã - - - À, được rồi, thế mai nhé, mày mà trốn tao sang nhà bắt sang - - - Vâng - tôi vừa đáp, vừa cười với bác
truyện hay là tự truyện hả em giọng văn đúng là của em, ko lẫn đi đâu được. Chị đọc phần 1 chưa thấy nội dung gì lắm, ý là chị chưa biết cốt truyện hay em muốn viết cụ thể về cái gì nên hơi khó để nhận xét. Giọng văn thì chị nghĩ là hay rồi, nhà báo mà ngoài ra chị thấy 1 vài chỗ ko thống nhất, ví dụ thế này "Trưa ở quê yên tĩnh, gió xào xạc, tiếng ve kêu râm ran, mới nghe thì thích, nghe nhiều thì nhức đầu". Chị biết nó là tả thực nhưng chị nghĩ nó ko nêu bật lên đc vấn đề gì lắm. Vì chị thấy em đang theo 1 mạch là quê yên ả, tĩnh lặng nhưng những chi tiết đó làm cho người đọc ( như chị) nghi ngờ về cả 1 mạch quê hương nhẹ nhàng em đang tả. Em viết tiếp đi ^^
. Hello chị, lâu lắm ko gặp, vẫn tốt chứ ạ? Chuyện này là đợt em đi Huế rảnh rỗi ko có việc gì làm nên viết chơi, ko dùng fb nữa nên là public đâu đó xem có ai đọc ko thôi , chưa biết khi nào viết tiếp được. Còn về câu cú, ý tứ thì em đồng ý thôi, căn bản bt toàn phải viết khách quan nên giờ làm tí chủ quan cho nó đỡ ngứa mồm, full of sarcasm anw =).