Cho vịt nghe nhạc sàn, xuất bán thu tiền tỉ - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) Trong chuồng nuôi, đàn vịt nghe nhạc liền lạch bạch ra máng ăn cám. Đứng cạnh loa phát nhạc xập xình, chủ trang trại cho biết bài nhạc sàn này đang hot trend trên mạng, không quên bông đùa 'thiếu gì chứ thiếu nhạc vịt nhớ ngay'. Anh Lê Xuân Nam thường xuyên đổi nhạc trong các chuồng vịt để thay đổi không khí nhưng không tắt nhạc cho tới khi xuất chuồng - Ảnh: HÀ QUÂN Trong chuồng trại nuôi vịt nghe nhạc khoảng ngàn con, anh Lê Xuân Nam (47 tuổi, phường Tự Lạn, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) hào hứng kể ý tưởng chăn nuôi kết hợp âm nhạc có từ năm 2000 khi anh còn chăn nuôi heo. Vịt nghe nhạc sàn, chèo, cải lương... lông mượt, nạc thịt Anh Nam kể ngày bắt đầu nuôi heo đẻ chừng 20 con. Do nuôi gần nhà nên anh thường mở đài thật to để đỡ buồn, nhiều lúc quên tắt, cứ để đấy. Dần dần, anh thấy đàn heo không bị xô lệch, không chạy loạn, thịt cũng ngon hơn đàn khác. Sau đó, anh Nam cũng thử cho gà nghe nhạc. Bình thường gà hễ thấy người là bay tứ tung, nhưng khi được nghe nhạc lại thuần tính. Năm 2020, anh lại chuyển hướng nuôi vịt vì tiềm năng lớn. "Vịt từ lúc bắt về đến lúc xuất bán được nghe các loại từ chèo, cải lương, quan họ đến nhạc sàn, chỉ giảm âm lượng vào buổi tối. Con nào con nấy khỏe mạnh, ăn tốt", anh Nam hào hứng kể. Bắt ngay một chú vịt con, to hơn lòng bàn tay, anh Nam chia sẻ được nghe nhạc nên vịt giống tốt, lông mượt, dáng khỏe, nạc thịt. Đến nay, anh nông dân đã có trong tay trang trại hàng ngàn mét vuông, xuất chuồng hơn 30.000 con vịt/lứa. Mỗi năm xuất khoảng 3 - 5 lứa, tính ra 500 - 600 tấn vịt/năm. Nhờ chất lượng tốt, có đơn vị hợp đồng bao tiêu, thu mua vịt nghe nhạc của anh với giá cao, chủ yếu xuất đến nhà hàng, quán ăn đêm. Trung bình giá vịt chừng 40.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 56.000 - 58.000 đồng/kg, thấp điểm chừng 33.000 đồng/kg. Đầu ra ổn định đến các tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An... Anh Lê Xuân Nam cẩn thận hướng dẫn công nhân trẻ đặc điểm của vịt nghe nhạc như không bơi dưới nước nên chân cứng cáp song lông mượt, vàng óng, dáng khỏe - Ảnh: HÀ QUÂN Công nhân đổ cám vào hệ thống tự động. Máy móc sẽ đưa thức ăn tới từng máng cho vịt nghe nhạc thưởng thức - Ảnh: HÀ QUÂN "Chợ cơm thừa" vang danh một vùng Nhưng việc làm ăn cũng có lúc khó khăn, anh tìm tới từng nhà máy để thu mua cơm thừa rồi mang về nhà để phục vụ cho chăn nuôi. Lượng cơm thu mua nhiều nên anh mở địa điểm bán lại cho bà con địa phương, người ta ví von nơi đây như khu "chợ cơm thừa" của cả vùng. Ngày cao điểm lên tới 30 tấn để bán cho bà con. Xe tải đi lại như mắc cửi. Từ đó anh có vốn đầu tư, mua thêm đất làm trang trại. Năm 2023 mô hình nuôi vịt nghe nhạc của anh Lê Xuân Nam nhận giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 10, rất nhiều bà con trong tỉnh đã đến học tập cách làm của anh Nam. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt, anh cho biết người nuôi vịt cần chú ý tiêm đủ sáu mũi vắc xin dịch vụ phòng mỏ thụt, tả, cúm, bại huyết. Trang trại nên đặt xa khu dân cư, xây dựng hầm biogas. Máy móc chuyển cám vịt, phun sương làm mát, quạt điều hòa nên mua ở nơi uy tín, không ham đồ rẻ, tự động hóa, nhiệt độ từ 24 - 25 độ C. Đàn vịt nghe nhạc hàng vạn con của anh Lê Xuân Nam có trọng lượng 3,5 - 3,6kg giúp chủ kiếm về hàng tỉ đồng mỗi lứa - Ảnh: HÀ QUÂN Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Thân Đăng Phương - phó chủ tịch Hội Nông dân thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - cho biết từ khi là hội viên nông dân trẻ, anh Lê Xuân Nam luôn cố gắng phát triển kinh tế của gia đình cũng như chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ bà con về kỹ thuật, cùng làm kinh tế. Ông đánh giá mô hình chăn nuôi vịt nghe nhạc từ năm 2020 đến nay không chỉ giúp gia đình anh nông dân này làm giàu mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, bao ăn ở.
Dạo này hay nghe quảng cáo gà đông trùng, cũng kêu cho nghe nhạc giao hưởng nữa. N mà nghe nhạc nhẹ nó còn thư thái chứ nhạc xập xình nghệ mệt bỏ mẹ, sao mà ngon thịt đc.
Có ăn có thua, chứ dễ thế ai cũng giàu cmnr. Thằng cháu hợp tác với 1 ô trong cp nuôi mà có khi cũng than như bọng. Mấy người xung quanh thấy nó làm ngon nhảy vào làm, sặc tiết.
Ơ thấy có khi cũng hợp lý . Chắc éo gì nghe nhạc sàn với giao hưởng đã khác nhau. Ăn nhau ở cái làm màu truyền thông mà các fen
cái này cần khoa học vào mới biết được có tác dụng gì ko, kiểu như tần số âm thanh mà con người với con vật nghe được (và thấy hay) nó khác nhau, nhưng mà chắc trò này cũng chỉ làm màu thôi bí quyết thật sự ai bô bô lên báo nói ra làm gì