Spoiler: Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 1: Chuyện đời bên chiếc áo mưa rách Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 1: Chuyện đời bên chiếc áo mưa rách Vá áo mưa rách, hàn đồ nhựa, sửa viết hư, đổi tiền nát... Những nghề tưởng chỉ còn là ký ức khó quên của thời bao cấp nghèo khó nhưng vẫn đang lặng lẽ tồn tại. Khách đến vá áo mưa chủ yếu là người lớn tuổi, sinh viên - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG Nhiều người qua đường như không hề thấy họ, nhưng có người vẫn dừng lại: "Chị ơi, cho tôi vá lỗ rách áo mưa". Chiếc áo mưa giá rẻ bèo, mua được ở bất cứ đâu. Ấy thế mà ở Đà Nẵng vẫn còn một thứ nghề... sửa chữa áo mưa rách. "Cũng có phần do tính ăn chắc mặc bền của người miền Trung mình nữa nên chị em tôi mới sống được... Bà Lê Thị Thanh Nghề xưa còn một chút này "Vừa rồi có bạn trẻ đến quay tóp tóp (TikTok - PV) hỏi chị em tôi sao vẫn còn làm nghề này. Tôi cũng chẳng biết giải thích sao vì đã làm cả đời, cứ có khách có tiền là làm nuôi con. Lao động tay chân như tôi không quen nghĩ nhiều", bà Lê Thị Xuân Lành (52 tuổi, đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu) nói. Ở cái thời mà chiếc tivi, tủ lạnh hư người ta còn nghĩ đến chuyện mua mới, có lẽ bà Lành cùng người em gái Lê Thị Thanh là hai người vá áo mưa cuối cùng còn sót lại trên đất nước này. Dấu hiệu nhận biết góc làm việc của chị em họ là chiếc thùng nhỏ bốc khói dùng để làm nóng que hàn. Bà Lành bắt đầu câu chuyện bên góc ngã tư Ngô Gia Tự - Hùng Vương (quận Hải Châu) thuở dãy phố sầm uất này vẫn còn đầy bóng dừa. "Cha tôi là người đầu tiên vá áo mưa ở đây và giờ thì chị em tôi là người cuối cùng làm nghề này ở Đà Nẵng", bà Lành kể. Nửa thế kỷ trước, ông Lê Ngãi, cha bà Lành, mang nghề vá áo mưa từ Sài Gòn trở về thị cảng lớn ở miền Trung. Lúc nhà nhà bắt đầu sử dụng đồ nhựa, nghề này đắt như tôm tươi. Từ sửa chiếc áo mưa, đôi dép, xô chậu cho đến ép dẻo giấy tờ, ông Ngãi đều nhận làm. Khách đến sửa áo mưa hay ép giấy tờ thấy "được" nên truyền tai nhau. Nhờ vậy cũng chẳng cần biển hiệu, chỉ với vài cái bàn ghế, que hàn mà ông Ngãi nuôi cả chín miệng ăn trong nhà. Đường Hùng Vương nơi gia đình ở cũng là trục xương sống bấy giờ tấp nập người xe. Ông Ngãi tiên phong mở nghề, lại ăn nên làm ra nên nhiều người cũng bắt chước làm theo. Bà Lành nói vào "thời đồ nhựa" thịnh hành cuối thế kỷ trước, những cửa hàng mua bán, sửa chữa đồ nhựa cũng đông vui chẳng kém cửa hàng mua bán điện thoại cũ chục năm trở lại đây. Từ góc chợ Cồn kéo xuống nơi vỉa hè nơi hai chị em ngồi chưa đầy 1km đã ngót nghét hai chục người cũng ra vỉa hè ngồi vá áo mưa, sửa đồ nhựa. Bà Lành nhớ chính xác thời điểm năm 14 tuổi theo cha ra đường phụ mưu sinh là bởi vết bỏng trên tay. Ngón tay trỏ đầy sẹo, bà nói đây là dấu hiệu người làm nghề vá áo mưa. Việc dùng que hàn nóng làm chảy nhựa từ áo mưa hằng ngày kiểu gì cũng có lúc gặp "tai nạn". Đó là khi chất liệu áo khác nhau, người thợ dù lành nghề nhưng cũng lắm lúc không lường được nhiệt độ, dẫn đến bị bỏng rộp khi dùng tay hàn mối nối. "Nghề này xoay đi xoay lại cũng là dùng cây hàn nóng để nối chỗ bị rách nên chẳng có nhiều bí quyết nghề nghiệp gì. Cha tôi dạy các con và làm trên đường phố nên ổng chẳng giấu gì. Được cái là khi họ mở ra cả chục cửa hàng thì ba tôi vẫn đông khách nhất vì ổng làm có tâm", bà Lành giải thích. Những năm cuối thế kỷ trước, góc ngã tư nơi ông Ngãi làm việc đắt khách, gia đình bà lại nghĩ cách mua những cuộn ni lông lớn rồi về cắt ráp, dán thành chiếc áo mưa để bán. Vì tay nghề xịn xò, xử lý được những điểm hay rách nên từng có thời kỳ áo mưa "ông Ngãi" bán được giá cao. Nhưng thói đời, góc phố Hùng Vương một thời vang bóng với hình ảnh những người dán áo mưa, sửa dép nhựa cũng lụi dần thời áo mưa tiện lợi ra đời. Những người làm nghề này cũng rơi rụng, chừng hai chục năm trở lại đây thì chỉ còn hai chị em bà Lành ngồi ở góc ngã tư này. Vá áo mưa, nghề cha truyền con nối hiếm hoi còn lại - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG Ấm êm nhờ... vá víu Có khách đến, bà Lê Thị Thanh (50 tuổi) mở banh chiếc áo mưa tìm chỗ thủng rồi nói giá. Án chừng vết rách, bà xẻ miếng ni lông trùng màu đặt vào mặt trong điểm rách. Sau khi que hàn cho vào lò than đủ nóng, bà lấy ra chà qua sáp chà xát nhiều lần để miếng ni lông chảy nhựa dính vào chỗ áo mưa rách. Đợi đến khi áo mưa nguội, kiểm tra lại vết dán chắc chắn mới giao cho khách. Từ khâu làm nóng que hàn cho đến vá xong quá trình này đâu đó tốn chừng 3-5 phút cho mỗi lỗ vá. "Ngó đơn giản nhưng vá cái này phải vừa chắc, vừa thẩm mỹ thì lần sau người ta mới tới. Dán chắc mà lem nhựa ra khách cũng khó chịu", bà Thanh nói thêm. Tùy số lượng vết rách trên áo mà lấy tiền công nhưng thông thường mỗi chỗ vá giá chừng 10.000 đồng. Bà Thanh bảo cũng vì chiếc áo mưa giá chẳng đáng bao nhiêu nên mới phải thỏa thuận với khách trước khi nhận làm. Đương nhiên giá mỗi lần vá cũng chẳng bao giờ vượt quá 40.000 đồng hoặc quá nửa giá trị chiếc áo. Quay trở lại thắc mắc của nhiều người về việc chiếc áo mưa chẳng phải thứ đồ vật mang nhiều giá trị hay kỷ niệm nhưng nhiều người vẫn mang vá, bà Thanh tung ra hai áo mưa vá rồi nhưng chưa giao cho khách. Hai áo mưa có cùng điểm rách dưới nách áo. Theo bà, những đoạn nối trên áo mưa như cổ áo, tay áo thường hay bị toạc ra. Cho dù khách bỏ áo cũ, đi mua mới chiếc áo cùng loại thì rồi cũng bị rách lại cùng một chỗ. Vậy nên nhiều người mới chấp nhận mang tới sửa. "Cũng có phần do tính ăn chắc mặt bền của người miền Trung mình nữa nên chị em tôi mới sống được. Thứ gì còn mới, còn dùng được thì bà con vẫn chắt chiu sử dụng", bà Thanh nói. Đặc biệt giai đoạn trước đây khi kinh tế còn chưa phát triển, sắm cái áo mưa người dân dùng mùa này sang mùa khác. Vậy nên trừ khi vết rách lớn, còn những lỗ thủng nhỏ vá được thì nhiều người vẫn có thói quen mang đến sửa để dùng lại. Nghề vá áo mưa thì đương nhiên vào mùa mưa mới có khách. Với thời tiết mùa mưa miền Trung kéo dài từ 2-3 tháng thì trung bình vào mỗi ngày hai chị em bà Thanh chia nhau số tiền công từ 200.000 - 300.000 đồng. Nhưng chính vì phụ thuộc vào thời tiết nên khi thu nhập bấp bênh, chị Thanh làm đủ nghề để mưu sinh. Vào mùa nắng "bám đường", chị em bà còn kiêm luôn đánh giày, sửa dép, có khi chạy xe ôm, bán xăng lẻ cho khách. Dẫu vậy, họ vẫn vô cùng biết ơn cái nghề cầm que đã là nguồn thu nhập chính giúp nuôi sống cả nhà và mang đến tương lai cho con cái. Sửa chữa kỷ niệm Là khách quen gần 40 năm với tiệm sửa áo mưa của chị em bà Thanh, ông Lâm Sở Hào (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) kể giai đoạn trước đây nhà đông con nên không dễ sắm mỗi người một chiếc áo mưa. Ông làm công nhân môi trường, mỗi năm xí nghiệp tặng cho một chiếc áo mưa. Cả nhà giữ gìn, dồn liên tục nhiều năm mới chia ra được mỗi người một chiếc. "Tôi nhớ thời vừa thoát khỏi bao cấp, có chiếc áo tôi mang gần chục năm, vá đi vá lại nhiều lần mà cô Lành vẫn vui vẻ làm dù áo nhựa cũ vá rất khó", ông Hào kể giờ có đồng ra đồng vào nhưng ông vẫn mang áo mưa rách ra đây vá như thuở còn khốn khó. Spoiler: Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 2: Ai tiền rách, tiền cũ đổi hông? Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 2: Ai tiền rách, tiền cũ đổi hông? Thi thoảng đi trên đường, bắt gặp cảnh người chạy xe máy kèm tiếng rao "Ai tiền rách, tiền cũ đổi hông?" mà nghe ngồ ngộ. Giữa lòng thành phố tấp nập, họ miệt mài len lỏi giữa các ngõ hẻm với nghề tay trái này. Anh Trần Lâm gắn bó nghề đổi tiền cũ rách khoảng chục năm nay - Ảnh: T.T.D. Dù tiền cũ rách có thể đổi tại ngân hàng, một số người vẫn lựa chọn đổi bên ngoài, có lẽ do thuận tiện hơn. Ngoài đổi theo kiểu tình cờ gặp trên đường, người làm nghề này còn đến tận nhà người cần. Đi tìm người có... tiền rách Trên đường Phổ Quang (Q.Tân Bình, TP.HCM), anh Trần Lâm rề xe về hướng công viên Gia Định. Sau yên xe, anh để tấm bảng "Đổi tiền rách, cháy" kèm số điện thoại. Nhiều ánh mắt tò mò của người đi đường nhìn về chàng trai có cái nghề ngộ nghĩnh này. Hỏi ra mới biết, anh "kiêm nhiệm" nghề đổi tiền rách khoảng chục năm nay. Mỗi ngày anh vừa chạy xe ôm vừa tranh thủ nhận đổi tiền, thế nên có ngày có, ngày không. Anh thường nhận đổi những tờ rách nhiều, còn với tiền chỉ rách chút đỉnh, anh sẽ tư vấn khách đến ngân hàng đổi không mất phí. Nhiều lúc gặp phải tiền giả, nếu không tỉnh, không kinh nghiệm mình dễ dính đòn. Tiền nguyên vẹn đã khó phân biệt, đằng này cố tình làm cho biến dạng thì càng khó nhận biết. TRẦN LÂM Khi khách liên hệ qua điện thoại đổi hai tờ tiền gần như rách lìa, anh hỏi vài câu lấy lệ rồi nói khách gửi hình chụp tiền qua Zalo. Tiền lúc nào chả kiếm được hả con?ĐỌC NGAY Lát sau, anh trả lời: "Tờ 50.000 đồng đứt rời mất rồi. Tờ 500.000 đồng nếu chị mang lên khu gần chỗ tôi thì tôi trả 450.000 đồng, nếu tôi tới tận nhà thì phí cao hơn...". Anh giải thích, lấy phí như vậy coi như tiền công vì sau đó anh phải đem ra ngân hàng đổi lại. Xong đâu đó, anh kể mình quê Quảng Nam, vào Sài Gòn làm tài xế, rồi thêm nghề "cầm tiền thiên hạ" này. Anh nói vui: "Ngó vậy chứ thu nhập nhiều gấp mấy lần chạy xe ôm đó". Tương tự, anh Nam (34 tuổi, ngụ quận 5) cũng nhận đổi tiền cũ rách bên cạnh nghề xe ôm công nghệ. Anh thường chạy xe lòng vòng với tấm bảng "Đổi tiền rách cháy, đổi tiền cổ Việt Nam...", gặp khách có nhu cầu sẽ đổi tiền cho họ. Anh còn phối hợp một người bạn để khi mình bận chạy ngoài đường, có khách đến nhà đổi thì người này sẽ tiếp. Khi có khách muốn đổi tờ 200.000 đồng do sơ ý làm rách góc, anh Minh (36 tuổi, bạn anh Nam) xem qua rồi đồng ý. "Nếu rách nhiều hơn hoặc bị quăn góc, mất góc... phí cao hơn chút. Có tiền rách chị cứ đem tới hoặc gửi hình, tôi sẽ xem rồi đổi cho", anh nói. Chị Kiều My (40 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết mình từng sử dụng dịch vụ đổi tiền rách. "Trước đây do tôi để tiền trong ngăn kéo, không cẩn thận kéo ra bị vướng rách 3-4 tờ. Nghe một người bạn nói có dịch vụ đổi tiền, tôi liên hệ đổi cũng nhanh chóng", chị chia sẻ. Một loại tiền không còn lưu hành, nhưng vẫn được trao đổi vì có giá trị sưu tầm - Ảnh: NVCC Nghề dạy nghề Anh Trần Lâm nói vui đây là cái nghề "làm chơi ăn thiệt". Anh cho biết: "Ban đầu tui học nghề từ mấy người anh em quen ở ngoài quê, rồi vô Sài Gòn mày mò học thêm. Gặp những ca khó hoặc tiền cổ tui phải nhờ sự trợ giúp của sư phụ". Dân Sài Gòn hay có câu "hên xui", và với anh nghề đổi tiền cũng vậy, "nhiều khi tui "ôm" trúng tiền có hình dạng quá xấu, vô ngân hàng họ từ chối đổi thì coi như lỗ nặng". Nếu may mắn bán được cho mấy người sưu tầm trang trí trong quán cà phê, nhà hàng..., anh còn gỡ gạc được chút chút. Đổi tiền lẻ ‘ăn’ phí sẽ bị xử phạtĐỌC NGAY Theo kinh nghiệm của anh, tiền rách, đứt nhưng không bị mất đi phần rách là dễ đổi và khách chỉ tốn một ít phí. Còn với các loại tiền bị cháy, quăn queo, biến dạng từ 60% trở lên coi như vớt vát được chút gì hay chút đó. Gặp khách dễ tính, có khi họ đổi với giá thấp hơn giá anh đưa ra hoặc có khi cho luôn. Nhưng cũng nhiều người kỳ kèo bớt một thêm hai. Còn với Bùi Quang (34 tuổi, ngụ quận 3), anh cho biết mình cũng nhận đổi tiền cũ rách 7-8 năm nay. Là nghề phụ nên anh nói thường người ta sẽ đem đến chỗ anh ở để đổi. "Với tiền mệnh giá nhỏ, tôi sẽ đổi giùm không tính phí. Tiền mệnh giá lớn thì người ta cho 10.000 - 20.000 đồng...", anh cho biết. Anh cũng hay nhận đổi giùm những người buôn gánh bán bưng, dân lao động khó khăn vì họ không rành ra ngân hàng đổi. Thông thường, sau khi gom được kha khá tiền rách, người làm nghề này sẽ phân loại. Số nào hư hỏng ở mức vừa vừa, họ trực tiếp vô ngân hàng đổi. Còn với anh Lâm, tiền nào bị biến dạng, hư hỏng nhiều, anh sẽ đổi qua một ông anh chuyên sưu tầm, đổi tiền cũ có thâm niên. "Tiền xấu cỡ nào ổng cũng đổi được. Với loại tiền này tôi chỉ ăn tiền công của khách, còn lại là của ổng", anh kể. Đam mê tiền xưa Những người nhận đổi tiền cũ rách thường có đam mê sưu tầm tiền xưa. Bên cạnh việc nhận đổi tiền cũ rách, họ còn kiêm luôn trao đổi tiền xưa. Hiểu nôm na đây là những loại tiền không còn lưu hành, chỉ có giá trị sưu tầm. Hội An mở chợ tết xưa mua bán bằng... tiền xuĐỌC NGAY Anh Lâm khoe gần đây anh còn "chơi" cả tiền cổ, tiền xưa để trao đổi với một số người chuyên sưu tầm. Do kiến thức về loại tiền này có hạn, anh vừa làm vừa học hỏi các "tiền bối". Hiện anh "nghía" chủ yếu những đồng tiền "ổn định" trong giới như tiền Đông Dương, tiền được in vào những dịp đặc biệt... Tương tự, anh Quang cũng trao đổi tiền xưa, nhất là những tờ có số xêri đẹp, xuất phát từ sự yêu thích là chính. Còn anh Lê Văn Phương (30 tuổi, quê Đồng Nai) 4 năm nay cũng gia nhập giới mê tiền xưa. Anh nói: "Tôi hay sưu tầm tiền giấy Việt Nam. Những loại tiền này mang dấu tích kỷ niệm...". Về lý do sưu tầm, anh cho biết: "Thấy bạn bè có những bộ sưu tập tiền xưa độc lạ nên tôi cũng muốn sở hữu. Từ đó, tôi cũng nhận đổi những tờ tiền xưa rách, cũ nhưng có độ hiếm cao". Ngoài trao đổi trong những hội nhóm, anh còn mua lại của người dân - những người lưu giữ sau đó bán đi - thì giá sẽ mềm hơn. Giá trị tiền xưa cũng chia làm nhiều cấp độ, như tiền xưa chưa lưu hành, tiền đã lưu thông nhưng độ mới cao, hoặc bị gấp, lỗ kim, rách... Theo anh, tiền xưa dù rách hay hư hỏng cỡ nào cũng có giá trị riêng. Có thể thấy, đổi tiền cũ rách là một nghề hữu dụng. Những người nhận đổi tiền rách như trung gian giúp cho những đồng tiền tiếp tục vòng đời của chúng. Theo thông tư 25/2013 của Ngân hàng Nhà nước, nếu tiền bị rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông (bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ số, nhàu nát, nhòe bẩn, cũ...) hoặc do lỗi kỹ thuật phía nhà sản xuất, người dân có thể đổi ngay tại các đơn vị thu đổi như các chi nhánh ngân hàng. Nếu tiền bị hư hỏng do quá trình bảo quản thì khi đổi phải phù hợp những điều kiện: tiền cháy, thủng, rách thì phần còn lại phải bằng hoặc trên 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại. Nếu được can dán phải có diện tích tối thiểu 90% so với diện tích tờ tiền cùng loại, đồng thời bảo đảm nguyên gốc, nguyên bố cục, mặt trước, mặt sau, trên, dưới, trái, phải... Nếu bị biến dạng, co nhỏ do cháy, diện tích tối thiểu phải bằng 30% diện tích tờ tiền cùng loại và còn giữ nguyên bố cục, đồng thời nhận biết được ít nhất hai trong các yếu tố bảo an: hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số xêri, dây bảo hiểm... Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 3: Những người bán trầu bên đường Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 4: Vô gas hộp quẹt, sửa dù hỏng bên góc đường xưa, chợ cũ Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 5: Người sửa đài radio cuối cùng ở đất cảng