Vagabond (バガボンド - Bagabondo) tác phẩm Manga dành cho thanh niên (18+) của họa sĩ Inoue Takehiko dựa trên nguyên tác là tiểu thuyết “Miyamoto Musashi” của đại văn hào Yoshikawa Eiji. Manga này được đăng liên tục trên tạp chí “Morning” từ năm 1998, hiện tankoubon của nó đã được xuất bản với 29 cuốn, tính tới thời điểm tháng 12-2008. Bộ Manga này đã bán được 5000 vạn cuốn chỉ trong nước Nhật. Bài viết này dịch một số đoạn từ Wikipedia và sử dụng nhiều nguồn tư liệu mà người viết tìm hiểu. Nên tìm đọc thêm: + Truyện ngắn “Chân thuyết Miyamoto Musashi” , văn hào Shiba Ryou Tarou, Nhất Như dịch. + Truyện ngắn “kiếm khách kinh đô” , văn hào Shiba Ryou Tarou, Nhất Như dịch. + “Koudan Miyamoto Musashi” , diễn giả Itou Ryouchou, Nhất Như dịch. + “Nhật Bản võ thuật thần diệu ký”, văn hào Nakazato Kaizan, Nhất Như dịch. Khái yếu về tác phẩm: Tác phẩm này mô tả thời thanh xuâncủa kiếm hào Miyamoto Musashi, nhân vật chính của nó trong bối cảnh giao mùa từ cuối thời đại Chiến Quốc (1493~1573) đến đầu thời Edo, thời đại mà thanh kiếm không còn được trọng dụng như trước nữa mà chỉ còn là một biểu tượng đặc quyền của tầng lớp ( đoạn này trích từ “Miyamoto Musashi và Gorin no sho”, hội nghiên cứu Miyamoto Musashi Nhật Bản). Trong cái nhìn về lịch sử, thời thế thay đổi đó, họa sĩ Takehiko đã vẽ lại hình tượng nhân vật Musashi với quyết tâm trở thành kiếm sĩ sau khi giấc mộng xuất thế lập thân tan vỡ. Ngoài ra bộ Manga này còn miêu tả nhân vật Sasaki Kojirou, đối thủ nổi tiếng của Musashi trong trận quyết đấu tại đảo Ganryu-jima, cũng như chân dung nhiều võ sĩ khác liên quan đến Musashi. Tuy dựa vào bộ tiểu thuyết của Yoshikawa Eiji tiên sinh nhưng Takehiko đã không vẽ nhân vật người chị của Musashi trong tác phẩm của mình. Điểm khác biệt nữa so với tiểu thuyết là nhân vật Sasaki Kojirou ở đây được miêu tả là kẻ câm điếc và gây cho người đọc nhiều hảo cảm hơn so với phiên bản trong tiểu thuyết. Hệ thống nhân vật và nội dung câu chuyện cũng được Takehiko sắp xếp lại, khác với tiểu thuyết của Yoshikawa tiên sinh. Tên của tác phẩm Manga này là “Vagabond”, nghĩa là thằng ma cà bông, thằng vô lại nay rày mai đó. Takehiko không sử dụng tên “Miyamoto Musashi” như trong tiểu thuyết vì làm như vậy vô tình sẽ định hướng trước cho người đọc về cảm nhận đối với nhân vật. Bởi lẽ toàn dân Nhật qua bao thế hệ từ trước Đệ nhị thế chiến đến đây đều quen thuộc với hình ảnh Musashi cô độc cầu đạo, Kojirou cao ngạo đáng ghét. Họa sĩ Takehiko muốn tránh điều đó. Bút lực của Takehiko trong Manga này làm người ta phải nể phục vì được đánh giá là “từng khung hình là một bức tranh hoàn chỉnh”. Ban đầu họa sĩ định vẽ nhân vật với trang phục kimono đương thời nhưng không được, nhất là trong những cảnh đánh nhau thì sẽ mất tự nhiên. Vì thế sau khi suy nghĩ, Takehiko quyết định vẽ hình mẫu nhân vật ban đầu đều trần truồng, rồi trong giai đoạn tiếp theo vẽ thêm áo quần và như thế là giải quyết được sự mất tự nhiên trong trang phục. Nhưng cũng vì thế mà quá trình vẽ tốn công sức hơn bình thường gấp bội. Và trong khi vẽ bằng pen thì Takehiko nhận thấy nhiều giới hạn của nó, và để thay đổi không khí của bối cảnh cũng như thể hiện vẻ nhơ nhuốc của kiếm khách Kanemaki Jisai mà từ chương 02, phần Sasaki Kojirou trở đi thì họa sĩ đã dùng bút lông. Các giải thưởng: + Năm 200: nhận được giải thưởng Bunkachou Media Geijutsu-sai (lễ hội nhằm tôn vinh những sáng kiến, đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật media) dành cho bộ môn Manga lần thứ 4. + Năm 2000: nhận giải thưởng Koudansha Manga lần thứ 24. + Năm 2002: nhận giải thưởng lớn “Tezuka Osamu bunka-shou” (giải thưởng văn hóa Tezuka Osamu) lần 6. Nội dung Chương I: phần Miyamoto Musashi Ở chương này nội dung không có nhiều thay đổi so với nguyên tác tiểu thuyết của Yoshikawa tiên sinh. + Thời còn là “Shinmen Takezou”: Shinmen Takezou rời khỏi quê hương là làng Miyamoto xứ Sakushu (Mimasaka, tức tỉnh Okayama ngày nay) vì được người bạn thời thơ ấu là Hon-iden Matahati rủ rê tham gia vào cuộc chiến Sekigahara vì mộng xuất thế lập thân. Nhưng Takezou đã theo nhầm quân miền tây, phe chiến bại và suýt chết trên chiến trường. Sau đó hai người được mẹ con bách tính sống gần đó cứu giúp và che giấu khỏi bọn săn lùng võ sĩ phe bại trận một thời gian. Sau đó Takezou đánh bại tên Tujikaze Temma là đầu lãnh của bọn sơn tặc Tujikaze và tự tin vào sức mạnh của mình, quyết tâm trở thành võ sĩ giang hồ với mục tiêu thiên hạ vô song. Ban đầu Takezou không có ý định trở về cố hương nhưng vì bạn thân là Matahati đã bỏ trốn theo gái nên bất đắc dĩ phải về làng Miyamoto báo tin cho Otsu, vị hôn thê của Matahati. Khi trở về làng thì Takezou bị người làng săn lùng ráo riết vì hắn thuộc phe bại trận. Là kẻ không biết đến tình yêu của mẹ, bị cha luô rình rập lấy mạng, bị dân làng xa lánh, căm ghét nên Takezou ra sức đánh trả. Nhưng sau được Thiền sư Takuan thừa nhận sự tồn tại của mình và được thầy khai ngộ mà Takezou lại lập chí sống vì kiếm đạo, đổi tên thành Miyamoto Musashi, lưu lạc giang hồ. Bị Matahati phản bội, bị bà cụ Osugi oán hận, không còn chốn dung thân nên Musashi cùng với Otsu và thầy Takuan rời khỏi làng Miyamoto. + Đến võ đường Yoshioka: vì mục tiêu trở thành thiên hạ vô song, khi lên kinh đô Kyoto là Musashi đơn thân xông vào võ đường Yoshioka, vốn là lò luyện võ nghệ ở kinh đô bao đời nay và được cho là mạnh nhất trong 8 phái kiếm kinh đô (Kyo Hati Ryu). Musashi đánh bại 5 tên môn đệ theo lời kẻ tạm thời trông coi võ đường là Ueda Ryouhei nhưng không được đường chủ là Yoshioka Seijurou chấp nhận lời thách đấu, lại còn bị để lại vết thương trên trán. Seijurou không chấp nhận lời thách đấu, bỏ đi vào phố du nữ tìm gái, Musashi đuổi theo nhưng bị Yoshioka Denshitirou chặn lại với lý do trả thù cho đệ tử. Hai bên chuẩn bị đánh nhau thì Matahati lẻn vào võ đường, vô ý gây nên hỏa hoạn nên trận đấu phải hoãn lại, hẹn một ngày khác và Musashi rời khỏi võ đường Yoshioka. + Quyết ý: Sau khi rởi Yoshioka, Musashi bại trận được thầy Takuan cứu chữa. Musashi không thắng được họ Yoshioka, trong lòng lúc này không chỉ cảm thấy oán ghét Yoshioka mà còn cảm thấy vui mừng vì có kẻ mạnh hơn mình. Thế là Musashi quyết ý tu hành khổ luyện, quyết lưu lãng giang hồ chuẩn bị cho trận tái đấu năm sau. Nhưng khi cận kề sinh tử thì trong lòng Musashi nổi lên hình bóng của Otsu. Nhờ Takuan chỉ đạo mà Musashi mới thừa nhận rằng mình yêu mến nàng, và dẫn theo thằng nhãi JouTarou tôn sùng mình làm sư phụ đến chùa Houzou-in trước khi ghé thành Yagyu, là nơi Otsu đang trú chân. + Chùa Houzou-in: Musashi đến nơi này với ý định đánh bại In-ei nơi thánh địa của thương thuật này. Trước khi đến được chánh điện, Musashi lạc đường và bị sát khí của một lão tăng áp đảo khi toan hỏi đường. Lão tăng nói rằng sát khí mà Musashi cảm nhận chính là sát khí tự thân Musashi phát ra và trêu chọc rằng trình độ Musashi như vầy là còn non kém. Sáng hôm sau, Musashi đánh bại Agon ở chánh điện, toan đấu tiếp với thích khách của Yoshioka là Gion Touji nhưng Houzou-in Inshun xuất hiện. Inshun là đệ tử của In-ei, trụ trì đời thứ hai của Houzou-in. Nhưng lúc này Musashi đã nếm mùi “sợ hãi” chưa từng gặp bao giờ trước sức mạnh của Inshun nên đã bỏ chạy. Sau đó Musashi rơi vào cơn tuyệt vọng vì sự yếu kém của mình, vì lòng tự tôn tự đại vào sức mạnh của mình đã bị tổn thương. Musashi tôn lão tăng In-ei làm thầy, ẩn mình trong núi quyết tâm luyện tâm. Sau đó Musashi đã chiến thắng Inshun trong gang tấc khi gặp lại, và được In-ei xử hòa do thua Inshun một lần và thắng một lần. Khi chuẩn bị rời khỏi chùa Houzou-in, Musashi được Inshun trao tặng y phục và vũ khí của võ sĩ. + Matahati, con đường xuất thế: Matahati được Musashi cảm hóa, quyết tâm làm lại cuộc đời từ đầu, nhưng vốn đã quen những tháng ngày lười biếng nên cơ thể hắn bạc nhược cực độ, không lao động bằng sức lực được. Tình cờ lúc đó có tay võ sĩ đang ngồi xem bản đồ thành trì mà Matahati đang xây dựng, bị hàm oan là mật thám và bị đánh chết. Võ sĩ trước lúc tắt thở đã trao lại cho Matahati ấn chứng kiếm phái Chujou Ryu và dặn đi tìm người có tên Sasaki Kojirou mà trao lại. Nhưng Matahati đã độc chiếm luôn ấn chứng này, nghiễm nhiên trở thành kiếm khách Sasaki Kojirou…. + Thành Yagyu: Musashi đến đây khiêu chiến kiếm thánh Yagyu Sekishusai, đòi một chọi một. Nhà Yagyu thường đuổi những tay võ sĩ đến đây gây chiến nhưng Musashi đã lẻn vào thành công, đánh bại tứ cao đồ của Yagyu, tìm đến dinh thự của Sekishusai. Nơi đây Musashi gặp lại Otsu và với sự giúp đỡ của nàng, đã lẻn vào phòng của Sekishusai. Toan đâm chết Sekishusai nhưng lão kiếm thánh chỉ dùng cái cần gỗ để gãi lưng gạt mũi kiếm của Musashi trong vô thức. Lúc này Musashi nhận ra được chênh lệch thực lực giữa mình và Sekishusai nên thi lễ tạ tội rồi bỏ đi. Trong chốc lát Musashi dao động vì Otsu nhưng sau lại quyết tâm không thể tưởng nhớ nữ nhân, đã phó thác JouTarou cho nàng rồi bỏ đi. + Đánh bại Shishido Baiken: Musashi lang thang trên bước đường giang hồ để tìm Shishido Baiken, cao thủ sử dụng món võ khí Kusarigama (xem “Chân thuyết Miyamoto Musashi”). Rồi Musashi gặp được Tsujikaze Kouhei, kẻ đã giết chết Baiken và mượn tên hắn. Đối mặt với món vũ khí tà dị này, Musashi đã dùng công phu song kiếm được xây dựng được trên nền tảng thuật đánh Jitte của phụ thân là Shinmen Munisai, đánh bại Kouhei. Kouhei bị chặt ngón tay, không thể cầm kiếm được nữa và van xin Musashi tha mạng. Chứng kiến cảnh đó, Musashi khổ não với ý nghĩa của việc sống dựa vào kiếm đạo rồi bỏ đi. Chương II: Phần Sasaki Kojirou Chương này hoàn toàn là sáng ý của họa sĩ Takehiko, không dựa vào tiểu thuyết của Yoshikawa bao nhiêu. Nhân vật Kojirou ở đây là đứa trẻ câm điếc được Kanemaki Jisai nhặt về nuôi, sau đó theo kiếm khách Itou Ittousai. Họa sĩ Takehiko xây dựng các nhân vật trong chương này không theo tiểu thuyết nhưng đều dựa vào các tài liệu lịch sử về họ, dĩ nhiên là có sáng tạo của mình. Chương III: Phần Yoshioka Chương này cũng là sáng ý của họa sĩ, tuy có ít nhiều bám theo mạch truyện trong tiểu thuyết là Musashi lại lên kinh đô, tái khiêu chiến với họ này. Trong trận đấu đầu năm, Musashi đã đánh bại đường chủ Yoshioka Seijurou. Nhìn chung, Vagabond là một bộ Manga Chambara đáng đọc, có những cái hay riêng của nó. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu bạn bỏ qua bộ tiểu thuyết “Miyamoto Musashi” của Yoshikawa Eiji tiên sinh mà họa sĩ Takehiko đã dựa vào để vẽ Manga này. Thông tin thêm về Yoshikawa Eiji xem tại đây: http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=413778
1 trong những truyện mình kết nhất . Ở việt nam xuất bản là Lãng Khách . Cái đoạn Musashi 1 mình cần 70 thằng kiếm đường kia kinh thật .
Nhìn avatar của tui nè Đây là một trong những bộ hay nhất mà tui từng đọc dù chỉ đọc đến đoạn chia tay kojirou . Ngoài mạch truyện chính nói về Musashi thì những câu chuyện của Matahachi , Kojirou hay Otsu cũng rất hấp dẫn .
Hiện nay manga này đã được dịch sang english 260 chap. Chi tiết tại onemanga.com. Spoil tiếp từ chỗ VN ngừng : Mushasi đến Kyoto chuẩn bị thách đấu với Denshichiro (con trai thứ của Kempo). Do bảo vệ cho em mình, nên Sejuro (anh trai Denshichiro) đã đến khiêu chiến Mushashi trước 10 ngày, tốc độ của Sejuro vẫn như ngày nào, cực nhanh. Nhưng Mushashi đã nhanh hơn và giành thắng lợi bằng một nhát xẹt ngang ngực Sejuro, đứt làm 2. Sau đó, Đến ngày khiêu chiến, Denshichiro cũng bị giết bằng một nhát chém giữa bụng (lòi cả ruột gan ra). 70 người còn lại trong võ đường quyết tâm báo thù Mushashi và hẹn quyết đấu ở một con đường vắng vào buổi sáng. 1 chọi 70, ai nghĩ đến cũng sợ, nhưng Mushashi đã quyết định thách đấu, với ý nghĩa "thay vì 1 chọi 70, mình sẽ xem như 1 chọi 1 70 lần". Và với một cố gắng nỗ lục không tưởng. Anh đã giết sạch 70 người. Và kể từ đây tiếng tăm anh nổi như cồn. Và cũng kể từ đây, cuộc đời anh rẽ sang con đường khác, một Samurai phục vụ cho tướng ... quên tên rồi.
Nếu đơn giản 1 kiếm khách sống lang bạc thách đấu với mục đích là mạnh nhất mà lại chịu phục vụ dưới tướng 1 người nào đó thì nản , đọc đến khúc sau khi hạ gục 70 kiếm khách thì Mushashi bị bại liệt và có thể suốt đời ko cầm được thanh kiếm nữa , đang cứ nghĩ ông tác giả sẽ cho 1 điều gì đó làm con người này sáng chói bước lên đỉnh cao hơn nữa ở cái thời đại đấy , chớ đâu phải như trên mà giờ thất vọng !
Dưới đây là một đoạn trong tiểu thuyết, khi đồ chúng Yoshioka vây đánh Musashi Thân cây tùng già to đến ba bốn người ôm không xuể là một lá mộc tốt chắn cho hắn phía sau lưng nhưng không phải là chỗ thủ thế lâu dài. Địch thủ có cung tên. Một kẻ dùng hỏa khí đã bị diệt, nhưng biết đâu không còn những tên khác nữa. Miyamoto Musashi thấy phương cách hiệu quả hơn hết vẫn là lối đánh xáp lá cà, tìm chỗ nhược của địch tấn công vào, rồi khi vòng vây bị phá vỡ sẽ do lối ấy mà thoát. Sức người có hạn, hắn không thể cứ đơn độc cầm cự với chiến thuật xa luân cho đến khi trời sáng. Tiếng người ồn ào càng lúc càng gần. Đồ chúng Yoshioka dưới chân núi leo lên mỗi lúc một đông, ánh đuốc lập lòe sau những bụi cây thưa lá. Miyamoto Musashi giữ vững tay kiếm, mắt như mắt vọ, bao quát khắp vùng đồi trước mặt. Không một ý đồ nào của địch thủ qua được mắt hắn, nhưng trong óc, hắn đương lượng giá sự cường nhược của các địch thủ ở gần. - Gốc cổ tùng ! Gốc cổ tùng ! Nó đứng đó. Một tiếng nổ chát chúa. Ánh lửa lóe ra trong đêm tối, tiếp theo là vật gì đụng mạnh vào thân cây kêu đánh “phụp”. Viên đạn hỏa mai ghim vào vỏ cây chỉ cách đầu hắn chừng hơn tấc. Tóc dựng đứng, thét lên một tiếng ghê rợn, Miyamoto Musashi như ngọn cuồng phong nhảy đến sát bên một đệ tử Yoshioka gần nhất. Gã kinh hoảng, giật lùi né tránh nhưng chậm quá. Lưỡi gươm Miyamoto Musashi đã đâm suốt qua bụng gã. Rút gươm ra, Miyamoto Musashi phóng chạy. Tiếng la hét đuổi theo: - Anh em ! Chớ để nó thoát ! Nó bị thương rồi ! Nó bị thương rồi ! Thực ra Miyamoto Musashi chưa bị vết thương nào trầm trọng, nhưng dưới ánh sáng vừng đông vừa rạng, trông hắn ghê gớm quá. Máu bê bết khắp mình. Mặt hắn chỗ đỏ chỗ đen nhem nhuốc, chiếc khăn bịt đầu không còn màu vàng nguyên thủy mà đỏ sẫm. Hắn chạy theo hình chữ chi để tránh đạn và tên, đồ chúng Yoshioka tưởng hắn trúng thương, say máu không giữ nổi thăng bằng nữa. Đến ngã ba, gặp toán phục kích đổ lên, toán sau ập tới, như một con thú nguy hiểm bị dồn vào góc rừng, Miyamoto Musashi gầm lên. Bản năng tự vệ nổi dậy, mắt rực đỏ màu hổ phách, hắn vung kiếm đâm hữu phạt tả, đem hết khả năng bảo toàn sinh mạng. Miyamoto Musashi sử dụng kiếm khác hẳn với các kiếm sĩ đương thời. Phần lớn trong kiếm thuật bấy giờ, nếu lưỡi kiếm chém hụt, tất cả uy lực của chiêu kiếm bị mất vào quãng không và người dùng kiếm phải rút kiếm về, bắt đầu một chiêu khác. Dù nhanh đến đâu đi nữa, sự rút kiếm về như vậy cũng mất thời gian và cả uy lực của chiêu kiếm trước coi như mất hết. Miyamoto Musashi trái lại đã không rút kiếm về. Hắn tiếp tục sử dụng uy lực của chiêu nọ tiếp chiêu kia, liên tu bất tận dù cả khi kiếm trúng đích. Lẽ dĩ nhiên dụng kiếm như thế phải có công lực hết sức dồi dào, lưỡi kiếm sắc bén, chặt xương như gọt khoai vậy. Cho nên trong trận giao tranh hiện nay, đường kiếm của Miyamoto Musashi như hai vệt sáng đan nhau, hay nói khác đi như hai lá thông nối đầu với nhau vậy. Cách biến chiêu của hắn cũng thần tốc và dũng mãnh lạ kỳ, hắn đã tự phát minh và khai triển khi ở trong rừng nhìn những lá thông cuồn cuộn trong một trận cuồng phong, đâm vào đầu và mặt hắn. Lối sử kiếm này chẳng theo chiêu thức nào nhất định, không thuộc trường phái nào nên không ai biết và dĩ nhiên chẳng được coi là chính thống. Nhưng chính thống hay không, Miyamoto Musashi không cần, miễn nó nhanh và hữu hiệu. Quả vậy, trong trường hợp một mình phải chống với số đông, lối sử kiếm của Miyamoto Musashi thật vô địch. Đồ chúng Yoshioka kể cả những cao thủ của môn phái, không rõ điều đó, cứ lăn xả vào và trở thành mồi ngon cho lưỡi gươm của Miyamoto Musashi. Thấy địch thủ quá dũng mãnh, Ueda, một trong bảy cột trụ còn lại của Yoshioka phái, thận trọng hơn, huy động đệ tử dàn thành thế trận. Ông đã có chủ ý: vô hiệu hóa những đường gươm tàn độc của Miyamoto Musashi bằng cách dùng trường thương giữ cho hắn ở xa. Dưới ánh sáng của vầng đông càng lúc càng rạng, hắn sẽ trở thành cái bia dễ dàng cho súng hỏa mai và cung nỏ. Không rõ Miyamoto Musashi có biết ý ấy không, nhưng hắn đã không rơi vào bẫy. Đường gươm dũng mãnh của Miyamoto Musashi rít lên vù vù, tiện đứt đầu các cây thương ở gần, gọn gàng như chém chuối. Không đầy chớp mắt, hắn đã phạt ngang hạ bàn một đệ tử Yoshioka rồi hươi ngược kiếm chém vào ngực Ueda. Ueda kịp thời ngửa mình ra sau tránh khỏi, nhưng cũng bị rách áo. Ông phóng chiêu phản kích liền, nhằm vào bụng Miyamoto Musashi hy vọng hắn sẽ phải thu kiếm về. Không ngờ Miyamoto Musashi khi chiến đấu, cực kỳ liều lĩnh và vì hắn không học trường phái nào nên chỉ tùy cơ ứng phó. Khi mũi gươm đến gần, Miyamoto Musashi thót bụng nghiêng mình né tránh rồi xoay người đưa ngược lưỡi kiếm của hắn vào gáy Ueda. Biến chiêu hết sức mau lẹ và chính xác: lưỡi kiếm xuyên qua gáy lão cao thủ Yoshioka, lòi ra đằng trước đến một tấc. Ueda không thốt được lời nào, ngã sấp. Miyamoto Musashi rút kiếm ra, máu tuôn có vòi. Sự kinh hoàng gần như làm tê liệt những đệ tử còn lại. Nhân cơ hội, Miyamoto Musashi xông vào chém giết không tiếc tay, mở đường máu nhằm thoát khỏi vòng vây. Xác đồ chúng Yoshioka chết nằm la liệt trên đồi cỏ, máu loang thành vũng. Bóng Miyamoto Musashi vùn vụt chạy xuống dốc khi ẩn khi hiện, nhấp nhô sau những hòn quái thạch hai bên sơn đạo. Đao, thương phóng theo, tiếng reo hò dậy đất lẫn với những tiếng kêu rên của kẻ sắp chết gây thành cảnh tàn bạo, hỗn độn và bi thương vô tả. - Miyamoto Musashi ! Đồ súc sinh hèn nhát ! - Thằng du đãng khốn kiếp kia ! Hãy quay trở lại ! Chúng ta không để mày trốn thoát. Mặc ! Miyamoto Musashi cứ chạy. Dường như hắn không lưu ý gì đến những lời nguyền rủa, chỉ mong ra khỏi chỗ nguy hiểm này. Cuộc chiến càng kéo dài càng bất lợi cho hắn. Về phương đông, trời đã sáng hẳn. Tay hắn nhớp nháp những máu tanh nồng, hắn vừa chạy vừa đổi tay kiếm, lau vào vạt áo ngoài trên đó máu với óc nhuộm loang lổ từng mảng cứng như da trâu và đỏ sẫm. Thình lình, một toán đệ tử Yoshioka có đến hai chục người mặt mũi nhem nhuốc dưới lớp bùn hóa trang, từ chỗ mai phục nhô lên, hò hét. Miyamoto Musashi đã thấm mệt. Hắn muốn tránh đám đông giận dữ ấy nhưng không lối thoát. Bên phải là vực sâu, bên trái là vách đá trơ trọi, đằng sau địch quân đuổi gần tới. Những tiếng la “Giết ! Giết !”, tiếng chân rậm rịch dội vào vách đá vang động đồi núi. Bị dồn vào tuyệt lộ, Miyamoto Musashi nhất quyết bán đắt sinh mạng. Thần chết là kẻ đồng hành với người kiếm sĩ. Câu ấy đối với hắn không lúc nào có nghĩa hơn lúc này. Hắn nhảy đến ẩn vào bóng tối một tảng đá lớn. Khi đồ chúng Yoshioka từ trên sườn đồi đổ xuống tiếp sức được với toán ở chân núi chạy lên thì không còn thấy Miyamoto Musashi đâu nữa. - Không lý gì thằng súc sinh ấy biến mất. Nó chỉ trốn đâu đây thôi ! Anh em hãy lục tìm cho kỹ. - Bèn chia nhau thành từng bọn dùng giáo và chĩa ba đâm vào các bụi rậm. - Miyamoto Musashi ! Mày ở đâu ? Đồ hèn nhát ! Chuột nhắt ! Vù một cái, một bóng người từ sau tảng đá nhảy ra, như chớp xẹt, lưỡi gươm chém bay đầu một tên cầm giáo. Cả bọn thất kinh, không thể tưởng tượng Miyamoto Musashi lại có thể xuất thủ nhanh như thế. Nhưng độc đạo chật hẹp, vực sâu hiểm trở, Miyamoto Musashi khó thi triển kiếm pháp mà địch thủ của hắn cũng khó lợi dụng số đông áp đảo hắn được. Như cá lội ngược dòng nước, Miyamoto Musashi tiến một cách khó khăn. Đường kiếm hắn bây giờ thu nhiều hơn công. Phóng xong một chiêu, trúng hay không hắn cũng lui về thế thủ. Có những đồ tử Yoshioka hoặc sơ hở hoặc vụng về để mất thăng bằng, có thể là mồi ngon của Miyamoto Musashi mà hắn cũng không giết. Phần lớn địch thủ của Miyamoto Musashi sử dụng trường thương, ước lượng tầm chính xác của mũi gươm thì dễ chứ mũi thương thì khó. Hắn không dám khinh địch. Miyamoto Musashi lùi dần, không biết vì chủ ý hay vì mệt mỏi. Hơi thở hắn nhanh, sắc mặt hơi tái. Những đường gươm của hắn cũng không còn uy mãnh như trước. Đồ chúng Yoshioka gia tăng áp lực. Càng lúc số người bao vây Miyamoto Musashi càng đông, nhưng không ai dám đến gần. Họ mong hắn vấp rễ cây hay tảng đá ngã ra là xông lại. Dưới chân đồi có tiếng ngựa hí, lừa kêu he he. Dân chúng đã bắt đầu một ngày sinh hoạt mới, thồ vật dụng và nông phẩm từ các làng lân cận đến Cổ Thành đổi bán. Họ tụ tập đằng xa, thấy đánh nhau, nghểnh mặt nhìn lên vừa kinh hãi vừa tò mò bàn tán. Chỉ trong mấy khắc giao tranh, hình dáng bề ngoài của Miyamoto Musashi đã biến đổi. Khăn buộc đầu và tóc hắn bê bết máu, mồ hôi. Quần áo loang lổ bùn đất, máu từng mảng khô đen đóng cứng. Lông mày dựng ngược, mắt đỏ như than hồng, trông chẳng khác gì một con quỷ dữ vừa từ địa ngục trồi lên. Hắn thở hổn hển, thân áo phía trước rách toang để lộ bộ ngực trần phập phồng như thổi bễ. Trong cơn nguy cấp, Miyamoto Musashi rút đoản kiếm. Đoản kiếm trong tay trái ngang tầm mắt, trường kiếm trong tay phải chênh chếch dưới bụng. Hắn dùng đoản kiếm phóng ra những hư chiêu để đối phương bối rối rồi dùng trường kiếm đâm tới hoặc phạt ngang. Kết quả không mấy khi không đạt được: địch thủ thường bị tiện đứt đùi hay bị đâm thủng bụng. Kỹ thuật phối hợp song kiếm này Miyamoto Musashi về sau có hoàn chỉnh và chú thích rất cặn kẽ trong cuốn Go Rin No Sho, “cách dùng song kiếm chống số đông khi bị bao vây”, nhưng bây giờ hắn chỉ áp dụng nó vì bản năng tự vệ. Theo những tiêu chuẩn về kiếm thuật, Miyamoto Musashi không phải là tay sành kiếm học. Trường phái, truyền thống, hay lý thuyết gì gì ...hắn cũng mặc kệ. Trong cuộc giao tranh mà sinh mệnh như ngàn cân treo sợi tóc này, hắn phải chiến đấu một cách thực tiễn. Thắng đã, rồi lý thuyết sau ! Từ dưới chân đồi vẳng lên nhiều tiếng la ó, những câu khích lệ và những lời giục hắn chạy trốn. - Chạy đi ! Chạy đi ! Chạy không trễ mất ! Trễ là toi mạng. - Tên kia ! Chiến đấu đơn độc như thế có lợi ích gì ? Chết vô ích ! Những lời ấy theo gió thoảng đưa lên, nhưng Miyamoto Musashi dường như không nghe thấy. Núi có đổ, trời có sập cũng thế thôi, hắn chẳng quan tâm. Điều hắn quan tâm là một bãi lau hắn vừa thấy ở cách chỗ hắn đứng chừng hơn trượng. Bãi lau cao hơn đầu người nhiều, trải dài đến tận khe núi bên một khu rừng già, có thể dùng làm đường rút an toàn được. Miyamoto Musashi múa tít song kiếm. Đồ chúng Yoshioka e dè, nới giãn vòng vây. Hắn nhảy lui, tiến tới, giương đông kích tây, cốt làm cho địch nghi ngờ không rõ chủ ý của hắn. Đến gần bãi lau, đột nhiên Miyamoto Musashi nhảy xuống triền núi nhanh như một con lợn rừng tháo chạy. Ba bốn đệ tử Yoshioka đuổi theo, phóng thương vùn vụt. Miyamoto Musashi vẫn chạy như bay, chẳng mấy chốc đã lẩn vào bãi lau mất dạng. Đồ chúng Yoshioka đứng trên sơn đạo hô hoán chửi rủa rầm trời. - Nó còn ở đó ! Anh em, bao vây nó ! - Không ! Nó chạy rồi ! Kia kìa ! Mọi người chỉ trỏ một bóng đen xa xa đang rảo bước bên hàng cây. Không ai biết chắc có phải đấy là Miyamoto Musashi không và cũng không ai dám nhảy xuống khu rừng lau lục soát để tìm hắn cả. Trời đã sáng rõ. Một buổi sáng đẹp trời cũng như những buổi sáng khác.
bộ manga tuyệt vời của Inoue Takehiko ,kết nét vẽ ông này từ hồi Slamdunk ngoài 2 bộ này ra ai có bộ nào khác của Inoue Takehiko cho mình biết với