45 phút cứu người đột quỵ thoát cửa tử - VnExpress Sức khỏe TP HCMSau 45 phút nhập viện do đột quỵ, ông Hùng, 66 tuổi, được dùng thuốc tiêu sợi huyết, bác sĩ can thiệp mạch lấy ra cục máu đông dài 3 cm. Ngày 13/4, BS.CKI Dương Đình Hoàn, Trưởng Đơn vị Can thiệp thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Hùng nhập viện trong tình trạng méo miệng, nói đớ, yếu liệt nửa người bên trái, khó đi lại. Bệnh viện phát y lệnh khẩn, khởi động quy trình "Code Stroke" dành riêng cho cấp cứu đột quỵ, ưu tiên nhân lực và máy móc. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não (CTA) cho thấy bệnh nhân tắc động mạch cảnh trong và động mạch não giữa bên phải, đồng thời hẹp rất nặng gốc xuất phát của động mạch cảnh nằm ở phần cổ. Hình chụp CTA cho thấy động mạch não bị tắc (bên trái) và gốc động mạch cảnh ở đoạn cổ bị hẹp (bên phải). Ảnh: Bệnh viện cung cấp Ông Hùng được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch ngay tại phòng chụp để tiết kiệm thời gian. Sau đó, bác sĩ di chuyển nhanh người bệnh lên phòng can thiệp mạch để tái thông mạch máu não. Bác sĩ luồn ống thông siêu nhỏ vào động mạch đùi, dưới định vị dẫn đường của máy chụp mạch máu DSA, di chuyển lên vị trí mạch máu não bị tắc để lấy cục huyết khối ra. Bác sĩ Hoàn đánh giá trường hợp ông Hùng khó can thiệp vì tắc động mạch lớn có kèm theo hẹp nặng gốc động mạch ở đoạn cổ. Bác sĩ cần nong bóng hoặc đặt stent vào vị trí hẹp mạch máu đoạn cổ trước, sau đó mới đưa ống thông lên não tiếp cận cục huyết khối gây tắc mạch. Thứ tự này cần được tính toán ngay từ lúc có kết quả chụp CTA, giúp tiết kiệm thời gian "vàng" cấp cứu cho bệnh nhân, giảm các nguy cơ trong quá trình can thiệp như rách mạch máu hay bóc tách mạch máu do cố gắng đưa ống thông qua vị trí hẹp tắc. Sau 30 phút thao tác, các bác sĩ lấy ra cục máu đông dài 3 cm, mạch máu não của bệnh nhân được tái thông hoàn toàn. Toàn bộ quá trình xử trí từ khi bệnh nhân vào viện đến dùng thuốc tiêu sợi huyết và hoàn tất can thiệp mạch chỉ mất 45 phút. Một ngày sau can thiệp, ông Hùng tỉnh táo, cải thiện vận động tay và chân trái gần hoàn toàn. Ông tiếp tục điều trị phục hồi chức năng, tầm soát các yếu tố nguy cơ để theo dõi và dự phòng đột quỵ tái phát. Ê kíp can thiệp lấy huyết khối cho ông Hùng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Bác sĩ Hoàn cho biết khoảng 20-30% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não có tắc động mạch lớn nội sọ kèm theo hẹp nặng hoặc tắc gốc động mạch đoạn cổ. Hẹp động mạch cảnh đoạn cổ thường do nguyên nhân xơ vữa vôi hóa thành mạch máu. Tùy vào mức độ hẹp và triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ điều trị phù hợp như dùng thuốc dự phòng, phẫu thuật bóc nội mạc mạch máu hoặc can thiệp nội mạch đặt stent. Can thiệp nội mạch là phương pháp hiệu quả, an toàn và nhanh chóng giúp tái thông mạch máu não cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp có tắc động mạch lớn. BS.CKI Hoàng Tuyết Sương, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết đột quỵ não là bệnh lý cần phải cấp cứu kịp thời với phương châm "thời gian là não". Người bệnh cần được chẩn đoán chính xác và nhanh chóng điều trị để tái thông lại mạch máu não. Hiện, có hai phương pháp điều trị chính trong đột quỵ nhồi máu não cấp là sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Tùy vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, vị trí mạch máu bị tắc, thời gian bệnh nhân đến bệnh viện, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Nhiều trường hợp cần phối hợp cả hai phương pháp nhằm tăng tỷ lệ tái thông mạch máu cho người bệnh. Theo bác sĩ Sương, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa. Người bệnh cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt để hạn chế tối đa các di chứng thần kinh. Tầm soát đột quỵ định kỳ, chọn các bệnh viện có các kỹ thuật máy móc hiện đại giúp phát hiện những bất thường tiềm ẩn. Từ đó, chủ động điều trị dự phòng, phòng tránh nguy cơ đột quỵ. Dương Đình. Lỡ người nhà bị đột quỵ vầy thì nên đưa lên Tâm Anh hay Chợ Rẫy nhỉ? Thấy CR có vẻ đông chưa chắc kích hoạt chế độ khẩn như vầy.