Bán thức ăn từ heo, gà bệnh có thể bị phạt tù Từ ngày 1/7, người nào biết động vật chết do bệnh, có hóa chất bị cấm... mà bán hoặc chế biến thực phẩm sẽ bị phạt 100-400 triệu đồng hoặc phạt tù 2-5 năm. Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ hôm nay đã tăng mức hình phạt đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, cũng như một số tội danh khác về môi trường, ma túy. Việc này được đánh giá là phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo. Từ ngày 1/7, người cố tình bán thức ăn từ heo, gà bệnh có thể bị phạt tù.Xử lý nghiêm hành vi cố tình bán heo, bò, gà bệnh Bộ luật Hình sự đã sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 5 Điều 317 về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, nâng mức hình phạt tiền lên gấp đôi đối với những người thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định trong khoản 1 Điều 317. Mức phạt 100-400 triệu đồng hoặc phạt tù 2-5 năm. Trong đó, bao gồm các hành vi vi phạm như: sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia... mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm (mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh) để chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng... Hoặc, người sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm - mà biết là chưa được phép sử dụng, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm, mà sản phẩm trị giá từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50 triệu đến dưới 100 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính... (Điểm c, khoản 1 Điều 317). Tương tự, Luật sửa đổi cũng quy định thêm về hành vi nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng, hoặc chưa được phép sử dụng hay lưu hành mà trị giá sản phẩm từ 10 đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính 5-20 triệu đồng... thì cũng chịu mức phạt như trên. Những người thực hiện một trong các hành vi nói trên hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 5-20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Ngoài ra, những người phạm tội danh này theo quy định của luật sửa đổi còn có thể bị xử phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền với số tiền tăng gấp đôi từ 40 đến 200 triệu đồng, giữ nguyên thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm. Hình ảnh heo bệnh có đóng dấu an toàn được Facebook Jonny Lieu lan truyền trên mạng xã hội gần đây. Ảnh từ Facebook Jonny Lieu https://vnexpress.net/ban-thuc-an-tu-heo-ga-benh-co-the-bi-phat-tu-4908224.html