Shophouse khối đế chung cư ế khách TP HCMLoạt căn shop kinh doanh tầng trệt chung cư tại khu Đông và Nam thành phố nhiều tháng nay đóng cửa, vắng khách thuê, có những căn treo biển sang lại quán. Ghi nhận của VnExpress, hơn chục căn shophouse khối đế của một dự án chung cư 8 block tọa lạc trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức hiện dừng hoạt động kinh doanh, treo biển cho thuê lại hoặc sang cửa hàng, bán shop. Những căn hộ khối đế bị bỏ trống này nằm san sát nhau, cửa đóng then cài tối om, kéo thành một dãy dài, khiến không khí kinh doanh càng đìu hiu. Trước đó, hồi năm ngoái, một số khách thuê dọn về các căn shophouse dự án này kinh doanh nhiều mặt hàng: ẩm thực, quán cà phê, văn phòng môi giới bất động sản, nội thất nhưng mỗi đợt chỉ trụ được vài tháng lại đổi chủ. Tình trạng khách cũ rút đi, khách thuê mới đến bán buôn vài tháng cũng trả mặt bằng diễn ra từ cuối năm ngoái đến quý I, sau đó dãy shophouse gần như bỏ trống. Ông Minh, một cư dân sống tại chung cư xác nhận, tình trạng này khác với cảnh nhộn nhịp kinh doanh shophouse khối đế thời điểm mới bàn giao. Khi đó thị trường bất động sản còn nóng sốt và kinh tế tăng trưởng tốt, rất nhiều văn phòng môi giới địa ốc, nội ngoại thất, quán cà phê, cửa hàng ăn uống mọc lên tại đây nhưng hiện nay bức tranh rất ảm đạm. Theo ông Minh, một số khách trả lại shophouse cho hay chi phí thuê một căn shophouse 18-25 triệu đồng mỗi tháng nhưng khu này quá ế ẩm, doanh thu kém, không gánh nổi chi phí mặt bằng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn nên nhiều người buộc phải trả shop hoặc sang shop. Một số căn shophouse đóng cửa tại dự án chung cư cao cấp trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Minh Theo ông Minh, bản thân các chủ shop này cũng không thể cạnh tranh nổi với các group bán hàng online của chính cư dân sống trong chung cư có bán cơm, phở từ, bún bò điểm tâm đến xế chiều, từ đặc sản địa phương, hoa quả theo mùa đến hàng hóa mỹ phẩm. "Các group bán hàng online mang hàng đến tận cửa nhà cho người mua, không tính phí ship và không mất chi phí mặt bằng, đủ sức chiếm thị phần kinh doanh của các căn shophouse tầng trệt", ông Minh nhận xét. Bà Thanh, chủ một căn shophouse khối đế chung cư trên đường Mai Chí Thọ là trường hợp hiếm hoi còn giữ chân được khách thuê nhìn nhận, tình trạng nhu cầu thuê shop sụt giảm mạnh, người thuê lần lượt rút đi hàng loạt khiến bà cũng lo ngại sẽ ảnh hưởng đến mình. "Căn shophouse của tôi không tăng giá thuê, có vị trí mặt tiền, kết nối được với khách trong lẫn ngoài chung cư nên dù vài khách cũ dọn đi, khách mới đến thuê hiện vẫn còn trụ lại", bà Thanh nói. Tuy vậy, bà Thanh thừa nhận sau thời hoàng kim, hiện nay là cảnh thoái trào của loại bất động sản thương mại này. Tình cảnh của shophouse khối đế hiện nay trái ngược hoàn toàn với lúc bà mới nhận nhà, nhiều người tranh nhau thuê và sẵn sàng chấp nhận giá thuê tăng theo từng năm. Dãy shophouse dự án chung cư trên đường Mai Chí Thọ treo biển sang shop hoặc tìm khách thuê. Ảnh: Nguyễn Minh Cùng cảnh ngộ, một chung cư nằm trên đường Đặng Văn Bi (TP Thủ Đức) đã khai thác căn hộ từ nhiều năm qua, nhưng phần khối đế thương mại bị bỏ trống nhiều. Cũng thuộc TP Thủ Đức, một chung cư tọa lạc trên đường Phạm Văn Đồng, những căn shophpuse khối đế có giá thuê 10 USD mỗi m2 một tháng cũng ghi nhận nhiều mặt bằng trống. Tương tự, một dự án chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, thuộc khu Nam TP HCM cũng ghi nhận nhiều shophouse khối đế không có khách thuê từ giữa cuối năm 2022 đến nay. Với tình trạng vắng khách thuê kéo dài, các căn shophuse tầng trệt dự án chung cư này thậm chí lật bài ngửa sẵn sàng thương lượng giá với khách thuê tìm năng để kích cầu nhưng không lôi kéo được các thương hiệu về đây. Mặt tiền của các căn shophouse này hiện vắng tanh và tối om, trên cửa chi chít thông tin bán, cho thuê shop, thậm chí các biển hiệu cũ đã bạc màu cho thấy khách thuê rút đi đã lâu nhưng chưa có khách mới dọn về. Dãy shophouse khối đế một chung cư tọa lạc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, khu Nam TP HCM đang bỏ trống. Ảnh: Max Nguyễn Ông Trang Minh Hà, Chủ tịch North Stars Asia cho biết, shophouse khối đế chung cư bị ế và bỏ trống là tình trạng phổ biến trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ế hàng loạt của shophouse khối đế chung cư là vị trí không thuận lợi. Đa số các dự án chung cư đặt shophouse ở tầng trệt, gần đường chính hoặc khu vực sầm uất. Tuy nhiên, không phải vị trí nào cũng thuận tiện cho hoạt động kinh doanh. Một số shophouse nằm trong khu vực xa trung tâm, không có sự phát triển hạ tầng hoặc không có mật độ dân cư đủ lớn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Ông Hà nhận định, với tình hình kinh tế khó khăn, đa số người dân ở chung cư cũng cắt giảm chi tiêu, hơn thế các chung cư hay có group chat mua bán riêng trên mạng xã hội, hàng giao đến tận nhà nên cũng cạnh tranh khá mạnh với shophouse. Thứ hai, shophouse có khuyết điểm thiếu tính đa dạng trong mô hình kinh doanh cũng là một nguyên nhân quan trọng. Phần lớn shophouse được thiết kế để làm các cửa hàng bán lẻ như quầy hàng, cửa hàng tiện lợi hoặc nhà hàng. Sự tập trung quá nhiều vào các ngành nghề tương tự đã làm mất đi sự hấp dẫn và không đảm bảo sự đa dạng của khu vực. Người tiêu dùng trở nên nhàm chán và không có động lực để ghé thăm shophouse khi các cửa hàng cung cấp cùng loại sản phẩm nằm gần nhau. Sự khác biệt về sản phẩm, kết hợp mật độ dân cư hợp lý sẽ giúp shophouse hoạt động tốt, nhưng lại thường không được chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án chú ý, nên mức độ thu hút cũng kém đi rất nhiều, đặc biệt khi bước vào giai đoạn kinh tế chung bị ảnh hưởng. Thứ ba, một số dự án chung cư không có kế hoạch quản lý tốt cho khu vực thương mại tầng trệt. Các dịch vụ hỗ trợ như bảo trì, vệ sinh hay an ninh không được duy trì đúng mức. Điều này dẫn đến việc giảm đi chất lượng và sự thu hút khách hàng, khiến shophouse trở nên không hấp dẫn nhóm khách thuê là các doanh nghiệp. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại lớn cũng đóng vai trò quan trọng trong tình trạng ế ẩm của shophouse. Các trung tâm thương mại hiện đại với các thương hiệu nổi tiếng và các dịch vụ thuận tiện 1 điểm đến đa chức năng (1-stop-shopping) đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Điều này khiến shophouse khối đế chung cư trở nên kém hấp dẫn và không thể cạnh tranh được với các khu vực mua sắm hiện đại. Theo ông Hà, một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến tình trạng kinh doanh ế ẩm của shophouse khối đế chung cư là quy hoạch khu chức năng thương mại khối đế bị thừa mứa so với nhu cầu. Ví dụ, với khoảng cách từ chung cư đến chợ, siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn trong bán kính 1,5-3 km, cư dân có xu hướng bỏ qua các shophouse đơn điệu nằm dưới chân tòa nhà để đến những nơi cách đó không xa nhưng có nhiều trải nghiệm mua sắm hơn. Với tình huống thừa diện tích thương mại, chỉ có những dự án nằm cách xa chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm 6-10 km may ra mới thu hút cư dân sử dụng dịch vụ shophouse. Để thoát khỏi tình trạng này, theo ông Hà, điều chỉnh giá thuê thấp xuống và thời gian ưu đãi khách thuê kéo dài, có thể xem là giải pháp tình thế trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đã đến lúc chủ sở hữu shophouse nên cân nhắc miễn hoặc giảm tiền thuê những tháng đầu, như một hình thức đồng hành cùng khách thuê. Điều này sẽ giúp bên thuê có thêm ngân sách để chạy cách chương trình quảng cáo, khuyến mại, thu hút khách hàng. Mặt khác, các đơn vị kinh doanh trước khi thuê shophouse cũng cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng xem ngành hàng nào cư dân cần và còn thiếu để đưa ra phương án kinh doanh hợp lý. Có như vậy shophouse mới đủ lực trụ lại, có đủ thời gian phân hóa ngành hàng đa dạng hơn, nâng cao được sự cạnh tranh so với các trung tâm thương mại lớn. Vũ Lê Đầu tư shophouse hiệu quả đến đâu? Có shophouse giá hơn 70 tỷ cho thuê 120 triệu đồng mỗi tháng, lợi tức chỉ đạt 1,5 - 2% so với kỳ vọng 8-12% mỗi năm. 21 Shophouse triệu USD ế khách thuê Nhà phố thương mại 70-80 tỷ đồng một căn, giá thuê 130-140 triệu đồng một tháng, có thỏa thuận giảm giá mùa dịch, đang vắng khách. 69 Shophouse khối đế chung cư ế khách - VnExpress