Hành trình “giải mã” những bí ẩn của thời gian ẩn sâu dưới lòng đất mà giới khảo cổ theo đuổi luôn chứa đựng bất ngờ. Nhiều di chỉ hàng nghìn năm tuổi tại Quảng Nam được phát lộ từ những manh mối khó tin nhất, nhưng lại cho kết quả đặc biệt. Phát hiện bảo vật ở góc đông bắc tháp E1 sau trận mưa lớn - Ảnh: BQL Di tích và du lịch Mỹ Sơn cung cấp Ekamukhalinga, linga có hình đầu thần Siva, được công nhận bảo vật quốc gia hồi tháng 1.2015 sau lần tìm thấy rất tình cờ từ một cơn mưa lớn tại tháp Mỹ Sơn E1, nhưng cuộc tìm kiếm bảo vật này vốn dĩ đã manh nha từ hàng chục năm trước. Hàng chục năm dò tìm Có chẵn 20 năm công tác tại Mỹ Sơn, ông Nguyễn Công Hường (nguyên Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn) khẳng định “dấu vết” của bảo vật đã được lờ mờ nhận ra qua các tư liệu từ bia ký tháp E1 và dự đoán của nhà khảo cổ danh tiếng người Pháp H.Parmentier. “Nhưng rồi, linga lại được tìm thấy trong trường hợp bất ngờ nhất”, ông Hường nhớ lại. Đó là buổi sáng mùa đông năm 2012, mưa lớn kéo dài gây ngập nặng ở khu E, F. Nhóm cán bộ của tổ bảo tồn bám sát hiện trường để xử lý nước bề mặt. Việc mở rãnh thoát nước rất cẩn thận, chủ yếu dùng tay bới. Lúc đó, họ chỉ chạm vào phần nhỏ như miệng chén của hiện vật, sau mới nhận rõ phần đỉnh của linga. Riêng đầu thần Siva tạc trên đỉnh linga lại úp xuống dưới, khiến cho cuộc bóc tách từng lớp đất trở nên hồi hộp hơn bao giờ hết. Họ nhanh chóng khoanh vùng và tổ chức khai quật kỹ lưỡng, nếu không rất dễ làm hỏng chi tiết đầu thần Siva. “Các chuyên gia Ý cũng đã sớm nghi ngờ khu vực này có Ekamukhalinga, nhưng hơn 10 năm để tâm tìm kiếm họ vẫn không phát hiện. Cuối cùng, sau một cơn mưa, các cán bộ bảo tồn của Mỹ Sơn lại thấy linh vật. Nói không phải quá lời đây rõ ràng là hồng phúc, là cơ duyên của Mỹ Sơn”, ông Hường tâm sự. Chúng tôi vẫn chưa quên cảm giác khác lạ của mình khi đối diện Ekamukhalinga, lúc linh vật vừa “rời” khoảnh đất ẩm ướt cạnh tháp E1 để chuyển về lưu giữ trong kho. Còn bây giờ thì bảo vật được cẩn thận lồng trong khung kính, giới thiệu rộng rãi cho công chúng. Địa phương cũng sửa soạn đón bằng công nhận bảo vật quốc gia cho linh vật, nhưng theo tính toán của ông Đinh Hài (Giám đốc Sở VH-TT-DL) cần “lồng ghép” với sự kiện văn hóa nào đó tại Mỹ Sơn để tạo thêm sự chú ý trong giới nghiên cứu, du khách và người dân địa phương. Kiệt tác vùi dưới đất Bản thuyết minh do Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn (Quảng Nam) lập khi đề nghị công nhận bảo vật quốc gia có đưa ra 2 lý do để lựa chọn Ekamukhalinga. Ngoài yếu tố gốc, độc bản và duy nhất trong tổng số 1.010 hiện vật đăng ký ở khu di tích Mỹ Sơn, đây còn là hiện vật duy nhất thể hiện linga có đầu thần Siva trong nền nghệ thuật điêu khắc Champa. So sánh niên đại khoảng đầu thế kỷ 8 và vị trí phát hiện tại góc đông bắc tháp E1, các nhà nghiên cứu kết luận nhiều khả năng đây chính là linga trên đài thờ Mỹ Sơn E1 từng được nhắc đến trong các văn bia Chăm. Sự liên hệ mật thiết với đài thờ Mỹ Sơn E1 - bảo vật quốc gia công nhận năm 2012 và trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng - khiến Ekamukhalinga được nâng tầm giá trị, được nhìn nhận là kiệt tác của nền điêu khắc Champa dựa trên phong cách thể hiện cũng như giá trị lịch sử của chính nó. Hình dáng lạ lẫm của Ekamukhalinga tại Mỹ Sơn ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Với chất liệu đá sa thạch vàng nâu, hiện vật có 3 phần gần bằng nhau gồm hình tròn, hình bát giác và hình vuông, cao 126 cm. Riêng phần hình tròn trên cùng chạm nổi đầu tượng của đấng Hủy diệt và Tái tạo vũ trụ trong Ấn Độ giáo. Khuôn mặt của đầu tượng hiển lộ rõ nét thanh tú, trang nghiêm của thần Siva dù đã bị mòn mờ ít nhiều một cách tự nhiên qua thời gian. Đầu tượng có kiểu búi tóc cao khá tiêu biểu, phía sau lại có đường vân đá cong hình cánh cung tương đối đều nhau... PGS-TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) nhận xét Ekamunkhalinga ở Mỹ Sơn có đầy đủ chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng, là chiếc Mukhalinga (linga có hình người) thực sự bằng đá đầu tiên của Champa được phát hiện. Nhà nghiên cứu này cũng không tiếc lời khen ngợi đây là một trong những Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ. Linh vật ấy đã chọn cách để hiển lộ không thể bất ngờ hơn, sau bao nhiêu năm dò tìm trong khấp khởi hy vọng của những người biết rất rõ giá trị của bảo vật... Sọ người cổ khai quật từ di chỉ Bàu Dũ (Quảng Nam) niên đại trên 5.000 năm được phát hiện rất tình cờ từ những người xúc sò điệp để nung vôi bón ruộng. PGS-TS Nguyễn Lân Cường phục chế hộp sọ người cổ phát hiện tại di chỉ Bàu Dũ (ảnh dưới) - Ảnh: Mai Hồng Lâm“GS Trần Quốc Vượng đã dùng thuật ngữ rất hay khi nhận định về di chỉ Bàu Dũ, là “đá mới trước gốm”, tức thời đại đá mới trước khi có đồ gốm”, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, bắt đầu câu chuyện về di chỉ cồn sò điệp nổi tiếng. Sọ người cổ phục chế sau đợt khai quật mới nhất được Bảo tàng Quảng Nam đưa ra trưng bày từ cuối tháng 3.2015 đã gây chú ý đặc biệt. Bởi đã hơn 30 năm kể từ ngày GS Trần Quốc Vượng tham gia khai quật tại Bàu Dũ (năm 1984), công chúng ở Quảng Nam mới có dịp tiếp cận loại hình di tích “Đống rác bếp” hay “Đống sò điệp”, “Cồn sò điệp” kỳ lạ này. Đây là loại hình di tích thường xuất hiện ở vùng ven biển vào cuối thời đá cũ và thời đá mới, riêng số lượng di tích tại VN phát hiện chưa nhiều, mà Bàu Dũ lại là di tích đầu tiên được nghiên cứu ở các tỉnh phía nam. Bón ruộng bằng sò điệp nghìn năm Ông Hồ Xuân Tịnh là người đầu tiên tham gia khảo sát Bàu Dũ hồi năm 1982. Đấy là một gò đất thấp ở xã Tam Xuân 1 (H.Núi Thành), ruộng lúa bao bọc xung quanh một miếu thờ. Gò cao này từng là nơi người dân địa phương lánh nạn trong trận lũ lụt kinh hoàng năm 1964. Ở đây, vô số vỏ sò điệp lộ thiên chất thành đống, trở thành nguồn “nguyên liệu” để người dân xúc về nung vôi bón ruộng. Nhưng nhiều người không biết rằng mình đã chạm đến di chỉ hàng nghìn năm, xúc cả những mảnh xương vụn, hiện vật đá..., cho đến khi ông Lê Văn Chỉnh, công tác tại Phòng Bảo tồn trưng bày Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có nhà ở gần đấy hay biết. “Anh Chỉnh đến xem, thấy nhiều hòn đá đẹp và các vỏ ốc chặt đuôi, sò điệp... nên đề nghị khảo sát. Tôi và anh Chỉnh liền tiến hành đào thám sát, đến năm 1983 lại thám sát lần nữa. Năm 1984, chúng tôi mời Bảo tàng Lịch sử VN, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức khai quật khảo cổ. GS Trần Quốc Vượng đã tham gia đợt này”, ông Hồ Xuân Tịnh nhớ lại. Hàng trăm hiện vật đá gốm, dấu tích 3 mộ táng, di cốt người và động vật... cùng nghi thức tục chôn bó gối đã hé lộ về một giai đoạn lịch sử hàng nghìn năm trước, giúp phác họa sinh cảnh của người cổ ở một vùng cửa sông ven biển. Niên đại di chỉ được các nhà khoa học xác định ở vào khoảng 5.030 ± 60 năm, và Bàu Dũ xếp thành một loại hình riêng nằm ở bước chuyển sau Hòa Bình, gọi là “đá mới sau Hòa Bình”. “Sẽ viết thêm trang sử mới” Cuối tháng 4.2015, PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ VN, Phó chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng VN, mới hoàn tất báo cáo nghiên cứu sau khi phục chế sọ người cổ từ đợt khai quật mới nhất ở Bàu Dũ vào tháng 8.2014. Nhưng ông quả quyết đây là thành tựu mới bởi những cuộc khai quật trước chỉ tìm thấy di cốt người cổ và xương động vật đa phần bị hư nát. “Di cốt ở miền Trung thường không có nhiều như miền Bắc, vì vậy đợt khai quật tại Quảng Nam như thế này là rất quý. Tôi đánh giá cao sự phát hiện sọ người cổ khá nguyên vẹn của Bảo tàng Quảng Nam”, PGS-TS Nguyễn Lân Cường nói. Những gì tìm thấy từ hai hố khai quật không lớn ở gò Bàu Dũ (32 m2), nhất là hộp sọ người cổ khá nguyên vẹn, đã khiến chuyên gia nhân chủng học hàng đầu VN Nguyễn Lân Cường ngạc nhiên về tục nhổ răng cửa hàm dưới. Di cốt cũng cho thấy chủ nhân là một người khá trẻ, và tuổi thọ chung của người cổ Bàu Dũ cũng không cao (độ 40 - 50 tuổi). Ông Cường cho biết, loại hình di chỉ Bàu Dũ đã gợi nhớ lại cuộc tranh luận của ông cách đây hơn 30 năm về nguyên nhân hình thành cồn sò điệp. Ông phản đối kiến giải của một nhà nghiên cứu cho rằng cồn sò điệp hoàn toàn do con người tạo nên, mà đúng ra phải kết hợp cả 2 yếu tố: đầu tiên do thiên nhiên tác động (sóng cuốn tạo thành cồn), sau đó con người mới tìm đến trú ngụ. Những dấu hiệu về sò điệp chết tự nhiên, lại thấy xen lẫn các công cụ rìu đá trong đống vỏ sò, đã giúp ông củng cố quan điểm này. PGS-TS Nguyễn Lân Cường tỏ ra hào hứng khi biết manh mối phát hiện di chỉ Bàu Dũ vốn rất tình cờ từ những người nung vôi. Ông nhắn gửi qua Báo Thanh Niên: “Trên khắp đất nước ta có nhiều di chỉ, đặc biệt những di chỉ ở miền Trung rất quý. Khi phát hiện di cốt hay các hiện vật bằng đá, mọi người hãy báo về cho cơ quan chuyên môn để chúng tôi có thể tham gia nghiên cứu và sẽ góp phần viết thêm những trang sử mới cho địa phương đó”. Ít ai ngờ các mảnh gốm vỡ vứt lăn lóc nơi bụi tre ngoài vườn lại trở thành “sứ giả” cho di chỉ Sa Huỳnh ở Quảng Nam, để những hiện vật hàng nghìn năm tuổi được lộ sáng. ;Khai quật mộ chum tại Lai Nghi, từ manh mối của những mảnh gốm vỡ - Ảnh: Mai Hồng Lâm "> Khai quật mộ chum tại Lai Nghi, từ manh mối của những mảnh gốm vỡ - Ảnh: Mai Hồng Lâm Chị Đinh Thị Hiệp, cán bộ Bảo tàng Điện Bàn, khi khảo sát dọc các xã Điện Hòa, Điện Ngọc, Điện Nam (cũ) với nhóm của ông Nguyễn Chiều - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - đã được một người dân “mách nước” về những mảnh gốm lạ và vài nồi gốm nhỏ vứt ngoài bụi tre. “Lúc ấy, họ đâu hay biết gì về những dấu vết đồ tùy táng, cứ tưởng là mảnh vỡ thường thấy sau chiến tranh và tìm thấy khi đào hố làm công trình vệ sinh. Khi biết chúng tôi quan tâm, họ liền giới thiệu”, chị Hiệp kể. Chuyện xảy ra đã chẵn 20 năm và trong một khu vườn như thế tại nhà bà Hà Thị Nuôi ở Lai Nghi (nay thuộc xã Điện Nam Đông, TX.Điện Bàn), những đồ sắt han gỉ cùng nhiều mảnh gốm vỡ đã đặt ra cho các nhà khảo cổ nghi vấn mới về dấu vết đồ tùy táng liên quan đến di chỉ Sa Huỳnh. Nhưng cũng mất thêm 6 năm kể từ khi những thông tin ít ỏi đó lọt đến tai nhóm khảo sát, tháng 10.2002 hố khai quật đầu tiên ở Lai Nghi mới được mở với sự phối hợp của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khảo cổ học chung và so sánh tại Bonn (thuộc Viện Khảo cổ Đức). Dấu vết khu mộ chum quan trọng trong hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 2.000 - 2.500 năm được phát lộ. “Vướng” mùa mưa nên các chuyên gia phải lui tới thêm 2 lần nữa (năm 2003 và 2004) mới hoàn tất, để làm lộ sáng hàng chục mộ chum của người cổ Sa Huỳnh trong khu vườn rộng 500 m2. Hiện vật tùy táng rất phong phú, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến nhóm đồ trang sức. Nhiều người sững sờ trước các khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn bằng đá, hạt cườm thủy tinh, chuỗi mã não, chuỗi hạt thủy tinh dát vàng… Anh Mai Hồng Lâm, cán bộ Bảo tàng Quảng Nam, đã bám suốt cuộc khai quật kéo dài 3 năm, dù mỗi năm chỉ trực tiếp làm việc tại hiện trường khoảng một tháng rưỡi. Quãng nghỉ giữa các lần khai quật (thường do thời tiết), các hố đào phải che tạm bằng bạt. Vất vả là thế, nên lúc tìm thấy số lượng đồ trang sức độc lạ tại khu mộ chum ai cũng hả hê. “Khi phát hiện 4 chiếc khuyên tai vàng trong một mộ chum cùng các hạt cườm, mọi người quá đỗi ngạc nhiên”, anh Lâm nhớ lại. Ngay các chuyên gia khảo cổ Đức cũng không giấu được niềm vui vì chưa có di tích nào trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh lại tìm thấy nhiều đồ trang sức như thế. Bảo mật hiện vật, đánh dấu di chỉ Công chúng bây giờ chỉ nhìn thấy 4 khuyên tai vàng quý giá qua các bức ảnh chụp tại khu giới thiệu chuyên đề về di chỉ Sa Huỳnh trên tầng 2 Bảo tàng Quảng Nam, còn hiện vật gốc đang được bảo tàng cất giữ cẩn mật. Riêng bát gốm 4 chân chưa từng thấy ở các di chỉ tương tự hay khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai 3 mấu, chuỗi cườm… được trưng bày nhưng với số lượng hạn chế. Dù sao, chừng đó thông tin cũng giúp hình dung về nền văn hóa từng hiện diện cách đây vài nghìn năm, giúp tiếp cận nhiều hơn nữa với những người có địa vị cao trong xã hội thời bấy giờ ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn - chủ nhân của khu mộ chum. Và những mảnh gốm vỡ tưởng chừng là đồ bỏ đi ngoài bụi tre, giờ trở nên rất giá trị và nằm lẫn trong số 15.000 đơn vị hiện vật cất giữ tại Bảo tàng Điện Bàn. Tiếc rằng những mảnh gốm vỡ tại Lai Nghi đã sớm kết thúc vai trò “sứ giả” của mình. Chị Đinh Thị Hiệp kể, các đợt nghiên cứu sau đó bất thành và gặp khó khăn do vướng đất thổ cư của người dân địa phương. Có chủ hộ sợ đào hố sâu khiến “đứt chân” đất, khó canh tác (!). Biết dưới lòng đất vẫn còn rất nhiều hiện vật quý hiếm, nhiều đoàn nghiên cứu tìm tới đặt vấn đề khai quật nhưng đã phải ra về tay không. Họ đành gửi tia hy vọng mong manh vào những hố đào cũ - nơi các chuyên gia khảo cổ của Hà Nội và Bonn (Đức) đã kịp đánh dấu tọa độ di chỉ trước khi lấp đất trở lại. Bên cạnh đền tháp ở Mỹ Sơn ngày nay, các nhà khoa học còn phát hiện một hệ thống đền tháp Mỹ Sơn bị chôn vùi dưới lòng đất, qua đó “đọc” rõ hơn lịch sử kiến trúc của di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam. Dấu vết cụm tháp Mỹ Sơn bị vùi sâu nằm cách không xa những khu tháp hiện hữu - Ảnh: H.X.H Khoảng trống hơn 4 thế kỷ TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử Viện Khảo cổ học, đang cố vấn khoa học tại phế tích Triền Tranh ở H.Duy Xuyên, cách không xa khu vực ông từng chủ trì nhóm nghiên cứu và công bố thông tin khá chấn động đúng 10 năm trước: có một hệ thống đền tháp Mỹ Sơn chìm sâu dưới lòng đất. Câu chuyện phát lộ khi ấy cũng rất thú vị và tình cờ từ dự án khơi thông dòng chảy suối Khe Thẻ. “Các kiến trúc của Mỹ Sơn từ thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 9 đã ở đâu?”, TS Phụng vẫn đầy sôi nổi chia sẻ về đề tài Mỹ Sơn dưới lòng đất khi chúng tôi gặp lại ông ở Triền Tranh. Sở dĩ Mỹ Sơn có chỗ đứng quan trọng trong nền nghệ thuật Đông Nam Á bởi đây là khu di tích duy nhất có thời gian phát triển liên tục gần 9 thế kỷ, từ thế kỷ 4 đến giữa thế kỷ 13, dù không đồ sộ kỳ vĩ như Angkor (Campuchia) hay Pagan (Myanmar). Thông tin từ bia ký cho thấy những công trình xây dựng thời kỳ đầu tiên chủ yếu sử dụng tre nứa, bệ thờ cũng làm bằng gạch. Sau các vụ hỏa hoạn lớn, người Chăm dùng vật liệu bền vững để xây tháp, kể từ khoảng thế kỷ 7 trở đi. Tuy nhiên, lâu nay các nhà khoa học mới chỉ tiếp cận các công trình kiến trúc thuộc các nhóm tháp B, C, D có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 9 - đầu thế kỷ 10. “Vậy muốn biết dấu vết các cụm tháp cổ hơn, phải đào sâu xuống. Và chúng tôi đã lần tìm ra lớp gạch bên dưới mặt đất khoảng 1 m, báo hiệu có đền thờ chính bị ngã đổ”, TS Phụng nhớ lại. Tháng 10.2005, kết thúc đợt khai quật lòng Khe Thẻ, nhóm chuyên gia phát hiện nhiều dấu vết nền móng kiến trúc. Những nền móng đổ nát được phát lộ không hề liên quan với đền tháp đang hiện hữu trên mặt đất, thậm chí còn bị xây chồng lên và lệch nhau ngót 100 năm. Chúng tôi từng ghi lại khoảnh khắc các nhà khảo cổ đứng bên miệng hố khai quật ở phía đông khu tháp D và sôi nổi thuyết minh về những chìm lấp của thung lũng Mỹ Sơn qua thời gian. Vậy là khoảng trống về kiến trúc hơn 4 thế kỷ ở Mỹ Sơn lần đầu tiên được chạm đến... Tháp chìm “cứu” tháp nổi Trong số các lý do Viện Khảo cổ học mở cuộc khai quật tại Mỹ Sơn lần ấy có nhu cầu khai thông dòng chảy suối Khe Thẻ để cứu vãn cấp thiết các khu tháp B, C, D trước mùa lũ. Hướng chảy mới từ con suối này từng làm tháp E9 bị sập. Lượng nước từ đỉnh Hòn Đền linh thiêng chảy qua thung lũng Mỹ Sơn rồi theo dòng Khe Thẻ đổ ra hồ Thạch Bàn luôn là mối đe dọa nghiêm trọng đến khu tháp cổ. Khi trùng tu các tháp thuộc nhóm A, B, C, D (giai đoạn 1937 - 1944), Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp cũng từng xây đập nước để chuyển dòng con suối lớn nhằm bảo đảm an toàn cho khu tháp A hồi năm 1939. Tiếc rằng, đến năm 1946, một trận lũ lớn đã phá hủy đập nước này... Nhưng ít ai ngờ việc khai quật lòng suối lại phát hiện nhiều thông tin giúp gia cố các chân tháp hiện hữu. Kết quả khai quật cho thấy tầng đất tại Mỹ Sơn có đặc điểm dễ trôi trượt, địa hình xoải xuôi khiến hầu hết công trình kiến trúc lún nghiêng về phía suối Khe Thẻ và đổ sụp. “Bắt mạch” được căn bệnh này, các nhà khảo cổ đặt vấn đề phải khảo sát địa tầng xung quanh, tìm giải pháp chống nghiêng lún phù hợp để bảo vệ di tích đang hiện diện trên mặt đất. Các đền tháp chôn vùi dưới lòng đất cũng gửi đi thông điệp mang tính cảnh báo cho các nhà khoa học, rằng họ sẽ phải trùng tu gia cố thận trọng hơn mỗi khi chạm đến di sản Mỹ Sơn. Một số nhà nghiên cứu không muốn tách bạch các giai đoạn lịch sử kiến trúc khi nói về một “Mỹ Sơn khác” bên dưới lòng đất, với lý giải rằng các đền đài đổ nát ấy đã là một phần không thể tách rời trong hành trình 9 thế kỷ kiến thiết của người Chăm. Nhưng dưới con mắt những người làm công tác bảo tồn, các dấu vết ấy lại mang giá trị rất đặc biệt để chiếu rọi về những gì đang hiện hữu, và sau bao nhiêu quên lãng nay bất ngờ tìm thấy. http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa...y-5-mot-my-son-khac-duoi-long-dat-595040.html
Cảm giác sau khi đọc bài này là chẳng quan tâm. Nhìn mấy cái hình nó cứ cùi cùi thế nào. Phát hiện 1 động phong nha khác hay tầm cỡ như lăng mộ Tần Thủy hoàng mới thấy thích thú
đến tào tháo ko chôn vàng bạc trong mộ mà còn xây mấy chục cái mộ giả thì trình cỡ tần thủy hoàng thì mấy trăm cái đống đất nung giả cũng là bình thường
từ lúc phát hiện mộ tới h mấy chục năm rồi mà đào mãi đéo ra được cái mộ của anh tần à ? hay là giống trong thần thoại của anh long chôn mẹ chỗ nào khác rồi ?
Đọc tin từ cách đây cũng 3-4 năm thì hình như do anh Tần có chơi đổ thủy ngân vào để làm giả dòng sông, nên khoa học vẫn chưa liều mà tiến vào. Tiếc là bây h đam mê những cái khác ko tìm hiểu nhiều nữa
Tần thuỷ Hoàng ngày xưa cho đúc mỗi người lính một tượng , quân Tần ngày xưa cả vài chục vạn , vài nghìn cái chia ra canh giữ mấy chục cái mộ giả
Phát hiện thêm ở Mỹ Sơn à? Kể cũng lạ, ta tưởng các thứ của Champa bị phe Holy Empire đốt phá, hủy diệt sạch sành sanh từ hồi TK17 rồi chứ! Hay mấy cái phế tích này là còn sót lại sau trận đấy nhỉ?