Độ "lớn" hay "nhỏ" của một quốc gia không được tính bằng số dân hay lãnh thổ, mà được tính bằng độ lớn của không gian tự do mà nền văn hóa của quốc gia đó mở ra cho mỗi cá nhân. Những nhà tranh luận vĩ đại "The Great Debaters", tạm dịch là "Những nhà tranh luận vĩ đại", là một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Denzel Washington năm 2007. Bộ phim lấy bối cảnh những năm 30 của thế kỷ XX ở Mỹ, dựa trên một câu chuyện có thật, kể về một người thầy giáo huấn luyện năng lực tranh luận cho một nhóm sinh viên da đen để tham gia và chiến thắng trong một cuộc tranh tài về tư duy với đội sinh viên da trắng của trường Harvard ưu tú. Trong quá trình rèn luyện năng lực tư duy ấy, những sinh viên da đen đã được thầy mình huấn luyện các thao tác suy nghĩ, con đường phát lộ ý tưởng, khả năng làm chủ cảm xúc của bản thân, cách thức xây dựng tư duy lý tính.... Đó là những điều cốt yếu nhất để thành công, không chỉ trong tranh luận. Xem bộ phim này, chúng ta sẽ hiểu vì sao ngày nay, nước Mỹ có một tổng thống da đen có khả năng hùng biện lôi cuốn cả thế giới. Không gian tự do sẽ khai mở cho sự khai phóng tư duy, nhưng nếu chỉ có một không gian tự do mà không có một nền giáo dục xây dựng tư duy lý tính cho con người, không gian "tự do" ấy sẽ là sa mạc cho những bầy đàn hoang dã tung hoành. Những con người của tư duy lý tính là thành tố quan trọng nhất để kiến tạo và vận hành một xã hội mở, là tiền đề về mặt con người cho sự phát triển của lịch sử. "Dân chủ" là "tranh luận" Có mối liên hệ tất yếu giữa văn hóa dân chủ và phát triển, cũng như giữa sự phát triển của lực lượng tư duy chiến lược của một quốc gia với vận mệnh của nó. Vậy, những nước một đảng lãnh đạo như Việt Nam liệu có thể được vận hành bằng một nền văn hóa tranh luận dân chủ và duy lý? Dân chủ, đó là tranh luận giữa quảng trường của tư duy. Do đó, văn hóa dân chủ có thể được xây dựng trong mọi điều kiện chính trị, một đảng hay nhiều đảng. Vấn đề cốt tủy là cách tư duy và cách tổ chức. GS. Cao Huy Thuần từng nói đến khả năng xây dựng nền văn hóa dân chủ trong hoàn cảnh nước ta. Ở Hi Lạp cổ đại, trong bối cảnh nhà nước vẫn chỉ có một lực lượng lãnh đạo duy nhất, "Ai muốn phát biểu?" đã là một câu xướng quen thuộc. Tư duy của GS. Cao Huy Thuần không phải là một cuộc phiêu lưu, mà là một con đường đã có bản đồ. Nó không chỉ có trong nền văn hóa Phương Tây cổ đại mà có cả trong lịch sử Châu Á hiện đại. Cuộc Duy tân của Nhật Bản ở thế kỷ XIX là một ví dụ điển hình của chiến lược phát triển thông qua khai sáng tinh thần và tự do tư duy, ngay cả trong bối cảnh một nền chính trị phong kiến rồi đây sẽ biến thàn phát xít. Ở Nhật Bản thời Minh Trị, Hội trí thức Meirokusha, một Nhóm tư duy chiến lược, gồm cả các quan chức chính phủ lẫn các chiến lược gia dân sự, tương tự như Nhóm "China Center for International Economic Exchanges" ở Trung Quốc mới đây, thông qua các cuộc tranh luận công khai và nóng bỏng của mình, đã lưu danh trong lịch sử Nhật Bản như là một trong những lực lượng vạch hướng đi cho dân tộc đến kỷ nguyên mới, trên hầu khắp các nẻo đường của cuộc sống, từ văn hóa, giáo dục, tư tưởng, đến luật pháp, tổ chức nhà nước pháp quyền, khoa học kỹ thuật. Văn hóa dân chủ là huyết mạch, là hồng cầu giữ gìn sự sống nơi những neuron thần kinh của bộ não một dân tộc. Văn hóa này là hệ động lực để xã hội công dân ngày nay có thể vận hành. Độ "lớn" hay "nhỏ" của một quốc gia không được tính bằng số dân hay lãnh thổ, mà được tính bằng độ lớn của không gian tự do mà nền văn hóa của quốc gia đó mở ra cho mỗi cá nhân. Tranh luận là một năng lực văn hóa Nhà văn Trung Quốc Vương Sóc, trong "Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê", từng nói rằng, trên văn đàn Trung Quốc, các nhà văn, nhà lý luận mạt sát lẫn nhau rất khủng khiếp, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy sự xung đột về tư tưởng và cách nhìn, ngược lại, trong vô số các bài tranh luận trên mặt báo, vẫn thấy chỉ có một cách nhìn thống nhất, còn các cuộc tranh luận máu lửa đơn giản chỉ là sự va chạm về mặt quan hệ giữa những cá nhân. Điều đó có nghĩa là, khi tranh luận, thay vì nhận xét về những ý kiến, người ta phán xét về con người đưa ra ý kiến đó. Trong tranh luận, trí thông minh, thay vì được dùng để hoàn thiện những năng lực của lý tính, lại hướng đến việc sản xuất ra những cách diễn đạt cay độc nhất để xúc phạm người khác. Việt Nam có vẻ như không khá hơn Trung Quốc ở điểm trên, và muốn phát triển được, nhất thiết phải tiến hóa để văn minh hơn. Nếu Việt Nam muốn phát triển bằng cách "khác Trung Quốc", thì trước tiên văn hóa Việt Nam phải khác Trung Quốc về điểm này. Văn hóa tranh luận là sáng tạo cốt tử của văn minh Phương Tây từ hơn 2.000 năm qua. Người Phương Tây gần như không thể sống mà không có tranh luận. Họ là cá kình, mà văn hóa tranh luận là đại dương của họ. Còn ở hầu hết phần còn lại của thế giới thì văn hóa tranh luận là cái được du nhập. Chúng ta bước vào tranh luận cũng giống như một loài trên cạn bước xuống nước. Tranh luận cũng giống như bơi lội. Khi bơi, con người đặt mình vào giao điểm giữa những luật vận động của cơ thể và những luật vận động của tự nhiên, để sáng tạo nên những luật vận động mới cho chính mình. Voi, ngựa, ngan, ngỗng... mặc dù cùng ứng xử với cùng một luật vận động của môi trường nước, mỗi loài do có luật riêng trong cách vận động của cơ thể, nên phải có một luật bơi của riêng mình. Việt Nam cũng phải sáng tạo ra một văn hóa tranh luận của riêng mình, bởi vì, con vịt muốn bơi theo cách của cá kình thì cần phải tiến hóa thành cá kình trước đã.... Còn nữa http://www.tuanvietnam.net/2010-06-15-xay-van-hoa-tranh-luan-de-viet-nam-thanh-ca-kinh ======================= Chữ đỏ: 1 kiểu war phổ biến trong GVN
nhớ 1 sếp trong GVN đã từng nói: tụi nó spam bài xong vô cái box đó (box 50) chửi cha chửi mẹ nhau. Nói quá đúng!