YxineFF 2012 & ZAG Village: Tiệc Phim Tiếng Nói Cá Nhân

Thảo luận trong 'Phim ảnh' bắt đầu bởi zagvillage, 24/10/12.

  1. zagvillage

    zagvillage Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    16/7/12
    Bài viết:
    8
    YxineFF 2012 & ZAG Village: Tiệc Phim Tiếng Nói Cá Nhân

    [​IMG]

    Chủ đề của YxineFF 2010 là Tình Yêu. Theo nghĩa rộng nhất, liên hoan phim đã đề cao tình yêu cuộc sống, tình yêu nam nữ, và tình yêu theo đuổi đam mê của mình. Tình yêu giúp chúng ta thực sự sống, chứ không chỉ tồn tại, mà thôi.
    Chủ đề của YxineFF 2011 là Niềm Tin. Bạn sẽ không là gì cả nếu không có niềm tin. Niềm tin giúp bạn có động lực để thực hiện ước mơ. Niềm tin giúp bạn thêm yêu cuộc sống ngay cả khi hoàn cảnh mình đang sống ngặt nghèo đến dường nào.
    Chủ đề của YxineFF 2012 là Cá Nhân. Một thành viên Ban giám khảo của mục Tranh giải quốc tế, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nhận xét: “Khi thế giới bị san phẳng, và chúng ta có cơ hội tiếp xúc với một lượng thông tin khổng lồ hàng ngày thì bạn tạo ra sự khác biệt bằng việc là chính bản thân mình. Một tác phẩm nghệ thuật cũng không thể tồn tại nếu thiếu đi sự khác biệt này.”
    Để được là chính mình là một vấn đề vô cùng khó khăn trong một xã hội bị áp đặt. Đó là câu chuyện của cô bé ở trường mẫu giáo có lời giải khác cho bài toán 1+1=? (Tiny Pupil, đạo diễn Tomaki Teng, Trung Quốc/Nhật Bản), của người chú khéo tay nhưng bị kỳ thị (Hai chú cháu, đ.d. Nguyễn Đình Quý Anh, Việt Nam) hay của hai người phụ nữ yêu nhau vượt qua mặc cảm (Two Girls against the Rain, tài liệu, đ.d. Sao Sopheak, Campuchia) và đặc biệt của người nữ nhân viên văn phòng tên Abbie (đ.d. Erin Good, Úc).
    Những câu chuyện cá nhân đa dạng nhiều màu sắc và tầng lớp được kể với nhiều thủ pháp sáng tạo: bức tranh nhiều mảng tối-sáng của Sài Gòn một buổi chiều qua bước chạy của 4 đứa trẻ (16:30, đ.d. Trần Dũng Thanh Huy, Việt Nam), một rạng sáng New York chứng kiến sự phân biệt đối xử giữa những màu da và đấu tranh tâm lý (Dawn, đ.d. Leon Le, Mỹ/Việt Nam), bạo lực trinh thám (Breath, đ.d. Tan Hyon-Lè, Malaysia), ký ức và thảm họa (Căn phòng, đ.d. Nguyễn Hồng Quân, Việt Nam), hai lối rẽ của cuộc đời một con người (Les deux vie de Nate Hill, hoạt hình, đ.d. Jeanne Joseph, Pháp/Đức), sự mất mát (Oasis, đ.d. Carlo Francisco Manatad, Philippines), ký ức và tình yêu (Người đàn ông trong bể cá, đ.d. Lê Lâm Viên và Đỗ Như Trang, Việt Nam), nỗi buồn chiến tranh (Photo Booth, đ.d. Michael Noonan, Úc), tinh thần tương thân tương ái giữa những đứa trẻ và thú vật (Iva, đ.d. Polen Ly, Campuchia), những cảm xúc của tuổi mới lớn (Trực nhật với Thư Kỳ, đ.d. Đỗ Quốc Trung, Việt Nam) hay một thầy giáo trẻ nơi bản làng heo hút (Aua-Jao, đ.d. Pun Kamjudpai, Thái Lan).
    Để hiểu về bản thân, đôi khi bạn cần sự đồng hành của người khác, đó là câu chuyện của một nam sinh trường nội trú (Ngược dòng, đ.d. Lê Hoàng, Hà Nội). Một nhân vật đeo mặt nạ da người đi tìm chính mình trong vòng Một ngày (đ.d. Nguyễn Vũ Minh Đức, TP. HCM). Một người mẹ chất chứa những tâm sự riêng tư qua cái nhìn của đứa con (Hành trình, đ.d. Phạm Quốc Dũng, Hà Nội). Một gia đình với xung đột xung quanh việc dạy dỗ một đứa trẻ (Cho tôi một vé về tuổi thơ, đ.d. Nguyễn Thị Minh Phương, Hà Nội). Giấc mơ về thời thơ ấu và những biến cố của đời người qua lời hát ru của mẹ (Innocent Memory, đ.d. Nam Phương, Singapore). Hai cô gái học sinh trung học xích lại gần nhau qua những tâm tư học trò (Feel – Lắng, đ.d. Luk Vân, TP. HCM). Những câu chuyện về mối liên hệ cá nhân – xã hội là chủ đề trong Chung sống (đ.d. Đặng Đức Lộc, Hà Nội) và Chuyện mọi nhà (đ.d. Phạm Ngọc Lân, Hà Nội). Mang hơi hướng cổ tích và sự màu nhiệm, tình người và hy vọng là chủ đề trong Đúc người (đ.d. Ngô Bửu Nguyên và Tạ Thanh Huy, TP. HCM) và Magic Show (đ.d. Huỳnh Thị Anh Trâm, TP. HCM).
    Nhằm tôn vinh sự sáng tạo, chương trình “7 Individual Experiments“ giới thiệu 7 bộ phim mang đậm dấu ấn phong cách của 7 tác giả, trong đó đặc biệt nổi bật là phim đầu tay 12 bước thành người của đạo diễn Nguyễn Ngọc Thuần (TP. HCM) – người được biết đến trước hết trong vai trò nhà văn. Lần đầu tiên, YxineFF sẽ trao giải “Trái Tim Cầu Vồng“ cho một bộ phim liên quan đến LGBT (đồng tính nam nữ, lưỡng giới và chuyển giới). Sáu bộ phim được đề cử cho giải thưởng này, trong đó bộ phim Bạn là ai? – câu hỏi của một tomboy (đ.d. Hoàng Huyền My, Hà Nội) là Gala Screening. “Women in Doclab“ giới thiệu 4 tác giả – 4 bộ phim – 4 góc nhìn của các nhà làm phim tài liệu nữ thuộc Hanoi Doclab với Gala Screening là bộ phim Lady Piano của đ.d. Dạ Thảo Phương – một nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn. Ngoài ra, Cận cảnh còn giới thiệu hai chương trình phim từ dự án “Chúng ta làm phim“ và cuộc thi phim ngắn “48 giờ“.
    Công ty xã hội phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam ZAG Village sẽ phối hợp cùng YxineFF để tổ chức 6 buổi chiếu phim miễn phí với hơn 100 đầu phim tại khu vực Hồ Chí Minh. Đến tham gia cùng các bạn yêu điện ảnh, các ekip làm phim sáng giá sẽ giao lưu chia sẻ những góc nhìn và câu chuyện thú vị xoay quanh điện ảnh và tiếng nói cá nhân. Có nên sống thật với chính mình? Làm thế nào để tìm thấy chính mình? Làm thế nào để sống với chính mình và sống với người khác?…
    Và giữa những tiếng nói của ekip làm phim, là tiếng nói của chính bạn. Khi ngay tại các buổi chiếu phim này, thông qua các lá phiếu, bạn có quyền quyết định xem bộ phim nào sẽ đạt giải Trái Tim Vàng cao quý.
    Những Mảng Màu Thành Thị tại Orient Café
    [​IMG]

    Những suất chiếu đầu tiên của YxineFF 2012 tại Hồ Chí Minh sẽ diễn ra tại Cafe Orient. Phản chiếu những mảng màu thành thị, Orient vừa tách biệt với thế giới sôi động vồn vã bên ngoài, vừa mang hơi thở của một đô thị hiện đại. Bạn có thể tăm tia thêm không gian đặc biệt của quán tại đây: http://www.facebook.com/media/set/?set=a.483485105017097.113165.208953602470250&type=1
    Do số ngồi có giới hạn nên bạn vui lòng đăng ký sớm.
    Information!
    Tên sự kiện: YxineFF & ZAG Village: tiệc phim miễn phí 2012
    Thời gian: 18:30 ngày 28 tháng 10 năm 2012
    Địa điểm: quán café Orient, 331 Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM
    Chi phí: Hoàn toàn miễn phí
    Lưu ý: Vì chỗ ngồi có giới hạn, bạn vui lòng đăng ký ngay hôm nay để ban tổ chức phục vụ bạn được tốt hơn
    Đăng ký: bạn vui lòng đăng ký với chị Hồ Bích Thuận qua email thuanho.zag@gmail.com hoặc gọi số 0122-799-4769.
    https://www.facebook.com/events/502547779763347/

    - - - Updated - - -

    Bác admin del bài này dùm mình nhé.Mình tìm không ra chổ edit bài viết ở đâu :(
     

Chia sẻ trang này