4 năm sau khi “phòng chat thứ N” của Hàn Quốc bị phanh phui, nhiều nhà hoạt động cho rằng luật pháp cần cứng rắn hơn đối với tội phạm tình dục kỹ thuật số. Thiên Nhi 1 giờ trước Park Ji-hyun nhớ như in ngày cô vô tình truy cập vào phòng chat Telegram, nơi đầy rẫy clip dài 2-3 phút ghi lại cảnh các cô gái khỏa thân. Cô sốc đến mức đóng sập laptop lại. Sau đó, nữ sinh viên báo chí 23 tuổi quay lại để thu thập thông tin và phơi bày “địa ngục” nô lệ tình dục trực tuyến đáng lo ngại nhất tại Hàn Quốc năm 2019. Ở đó, nhiều đoạn video cho thấy các cô gái, chủ yếu là trẻ vị thành niên, thực hiện các hành vi phục tùng, hạ nhục hoặc tự làm hại bản thân trong nhiều nhóm trò chuyện trên Telegram - dịch vụ nhắn tin được mã hóa. “Điều gây sốc nhất là cảnh tượng tên biến thái bắt các nạn nhân khắc tên hoặc ID lên cơ thể của họ bằng dao”, Park nói với The Straits Times. 4 năm trôi qua kể từ khi “phòng chat thứ N” bị lật tẩy, gây rúng động khắp Hàn Quốc và thúc đẩy cảnh sát truy quét tội phạm tình dục kỹ thuật số. Tuy nhiên, các nhà hoạt động đang kêu gọi nhà chức trách hành động nhiều hơn nữa bởi luật và biện pháp hiện hành không đủ để kiểm soát tội phạm mạng, bất chấp án tù dài dành cho những kẻ đứng sau “phòng chat thứ N”. Kẻ chủ mưu Cho Ju-bin (khi đó 24 tuổi) bị bắt vào tháng 3/2020 và bỏ tù 42 năm vì dụ dỗ ít nhất 74 nạn nhân, nhiều người trong số đó là trẻ vị thành niên, bằng các hợp đồng người mẫu ảo và ép họ quay phim có nội dung đồi trụy, khiêu dâm. Hắn bán nội dung cho thành viên của các phòng chat lên tới 260.000 người, với một số trả tới 1.200 USD. Đồng phạm chính của Cho là Moon Hyung-wook (khi đó cũng 24 tuổi) bị kết án 34 năm tù. Kẻ cầm đầu “phòng chat thứ N” Cho Ju-bin bị kết án 42 năm tù vào năm 2022. Ảnh: News1. Kẻ cầm đầu “phòng chat thứ N” Cho Ju-bin bị kết án 42 năm tù vào năm 2022. Ảnh: News1. Luật còn lỏng lẻo Luật chống “phòng chat thứ N” được áp dụng từ tháng 12/2021 nhằm tăng cường trừng phạt tội phạm tình dục kỹ thuật số, đồng thời buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet thuộc sở hữu của Hàn Quốc phải giám sát nền tảng và ngăn chặn việc phân phối nội dung bất hợp pháp. Một người sở hữu, sản xuất và phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em sẽ bị phạt tù ít nhất một năm. Tuy nhiên, tội phạm đang khai thác các nền tảng ở nước ngoài không tuân theo luật pháp Hàn Quốc như Telegram và Discord. Nhà hoạt động Summer Cha của Project ReSET, nhóm theo dõi và báo cáo lạm dụng tình dục trực tuyến ở Hàn Quốc, cho biết luật pháp và hệ thống cần được mài giũa để giải quyết tội phạm tình dục kỹ thuật số một cách cụ thể hơn. Cha lấy ví dụ việc phát tán tài liệu bóc lột tình dục mà giấu danh tính và nơi ở của nạn nhân chỉ được coi là nội dung khiêu dâm đơn thuần, không phải tội phạm tình dục. Không có luật nào trừng phạt hành vi lạm dụng tình dục bằng lời nói và lan truyền thông tin cá nhân sai lệch về nạn nhân. Thủ phạm cũng khó bị sa lưới nếu lưu trữ tài liệu trong hệ thống điện toán đám mây thay vì máy tính cá nhân. Việc xin lệnh khám xét hệ thống trực tuyến cũng khó khăn hơn. “Nếu luật không được cải thiện, các vấn đề sẽ tiếp tục xuất hiện và trở thành một vòng luẩn quẩn”, Cha nói. Cảnh sát báo cáo 16.866 trường hợp tội phạm tình dục kỹ thuật số vào năm 2021, nhiều hơn 17% so với năm trước đó. Các chuyên gia tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều vì nhiều vụ việc không được báo cáo. Nhiều nhà hoạt động ở Hàn Quốc nỗ lực xóa bỏ tội phạm tình dục kỹ thuật số và hỗ trợ nạn nhân. Ảnh: ABC News. Nhiều nhà hoạt động ở Hàn Quốc nỗ lực xóa bỏ tội phạm tình dục kỹ thuật số và hỗ trợ nạn nhân. Ảnh: ABC News. Tỷ lệ tội phạm phổ biến ở Hàn Quốc thường được cho là do địa vị thấp của phụ nữ trong xã hội gia trưởng và công nghệ phát triển nhanh. Nhà hoạt động Summer Cha chỉ ra sự kỳ thị phụ nữ phổ biến, buộc họ phải chịu đựng hình thức bạo lực do công nghệ gây ra, “Phụ nữ bị coi là phụ kiện của đàn ông và không cần được chú ý. Nếu suy nghĩ này thay đổi và đàn ông bắt đầu coi phụ nữ là cá thể độc lập, tội ác có thể giảm bớt”, bà nói. Yoo Young, đồng nghiệp của Cha, đồng tình và nói thêm rằng “cơ thể của phụ nữ thuộc về đàn ông” là định kiến sai lầm nhưng vẫn phổ biến ở Hàn Quốc. “Người phụ nữ không thể lên tiếng nếu cơ thể của mình bị xâm phạm trái với ý muốn vì điều đó có thể gây tổn hại đến danh tiếng của cô ấy”, Yoo đề cập đến việc nạn nhân phải che giấu sự xấu hổ như thế nào. “Nhưng nếu vấn đề không được đưa ra ánh sáng, không thể có hành động đối phó. Nếu tiếng nói của phụ nữ có thể trở nên lớn hơn và các quyền của họ được cải thiện,... chúng ta có thể giảm tỷ lệ tội phạm”, cô nói thêm. Công nghệ cũng thúc đẩy số lượng tội phạm tình dục kỹ thuật số, từ những cuộc gọi chơi khăm tục tĩu vào những năm 1990 đến các trang web khiêu dâm trong thời kỳ bùng nổ Internet những năm 2000. Soranet, được tạo ra năm 1999 và lưu trữ trên nền tảng ở nước ngoài, trở thành trang web khiêu dâm lớn nhất của Hàn Quốc với hàng nghìn video quay lén bất hợp pháp và khiêu dâm trả thù. Nó chỉ bị đóng cửa vào năm 2016. Bắt chước “phòng chat thứ N” Điều may mắn là giờ đây, nhận thức cộng đồng được nâng cao hơn, đặc biệt là sau khi phụ nữ bắt đầu lên tiếng chống lại phân biệt giới tính và đối xử bất công sau phong trào #MeToo năm 2018, tiếp đó là vụ vạch trần “phòng chat thứ N”. Các thành phố lớn như Seoul, Busan và Incheon thành lập trung tâm tội phạm tình dục kỹ thuật số nhằm hỗ trợ nạn nhân. Theo Giám đốc Lee Eun-jeong, cơ sở ở Seoul, hoạt động từ tháng 3/2022, hỗ trợ hơn 300 nạn nhân, từ thanh thiếu niên đến những người ở độ tuổi 20-30, cho đến nay. Điều mà các nạn nhân mong mỏi nhất là video của họ biến mất và trung tâm giúp xóa hơn 3.000 đoạn phim. Các cơ quan này cũng hy vọng nâng cao nhận thức rằng tội phạm tình dục kỹ thuật số là sai trái và thay đổi thái độ đối với việc phòng ngừa. “Tội phạm tình dục kỹ thuật số không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc. Toàn thế giới cần giải quyết vấn đề này và áp dụng các biện pháp cơ bản. Tội phạm mạng sẽ tiếp tục phát triển khi xã hội thay đổi. Vì vậy, điều quan trọng là phải phản ứng phù hợp”, bà Lee nói. Nhiều nhóm trò chuyện bắt chước “phòng chat thứ N” mọc lên cho thấy vấn nạn này vẫn chưa thể bị xóa sổ. Ảnh: YTN. Nhiều nhóm trò chuyện bắt chước “phòng chat thứ N” mọc lên cho thấy vấn nạn này vẫn chưa thể bị xóa sổ. Ảnh: YTN. “Phòng chat thứ N” gốc không còn tồn tại trên Telegram, nhưng các tài liệu được đăng tải ở đó dường như vẫn được lưu hành trực tuyến. Đây là dấu hiệu cho thấy việc xóa bỏ tội phạm tình dục kỹ thuật số khó khăn như thế nào. Các phiên bản bắt chước đã xuất hiện, bao gồm phòng chat lan truyền nội dung lạm dụng động vật hay phụ nữ bị lừa trở thành nô lệ tình dục trên các nền tảng phát trực tiếp. Nguy hiểm hơn, ở vụ “phòng chat thứ N số 2”, kẻ sáng lập người Hàn Quốc bị bắt ở Sydney (Australia) vì đe dọa 9 cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên và phát tán 1.200 video khiêu dâm của họ trên Telegram. Park Ji-hyun, hiện 27 tuổi và là chính trị gia, cho biết điều thực sự đáng lo ngại là tội phạm tình dục kỹ thuật số khác chắc chắn sẽ xảy ra do hoàn cảnh hiện tại và sự kiểm soát lỏng lẻo. “Vấn đề tội phạm tình dục kỹ thuật số nổi lên do ‘phòng chat thứ N’, nhưng chúng tôi không thể áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Telegram”, cô nói. Theo cô, các cuộc thảo luận về giải pháp nên được diễn ra, nhưng thực tế lại không thuận lợi như vậy. Yoo cho biết có quá nhiều tội phạm mới sau vụ “phòng chat thứ N”. Điều này thúc đẩy cô tiếp tục theo dõi, báo cáo các trang web và phòng chat bất hợp pháp tải lên các tài liệu lạm dụng tình dục. “Sẽ mất nhiều thời gian để mang lại thay đổi xã hội, nhưng rõ ràng là nếu không ai lên tiếng, vấn đề cuối cùng sẽ biến mất”, cô nói. “Tôi nghĩ mọi thứ đang trở nên tốt hơn, từng chút một. Tôi đang làm phần việc của mình nhằm phá vỡ hệ thống tội phạm tình dục kỹ thuật số khổng lồ này. Nếu có thể tiếp tục, chúng ta có thể giữ cho ngọn lửa bùng cháy”.